Những năm gần đây, huyện Tràng Định đã có nhiều nỗ lực và giành được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội: Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010-2015 bình quân đạt 9,95%/năm, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (năm 2015 tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 33%, công nghiệp - xây dựng 39% và dịch vụ 37%); thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 18 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25% năm 2010 xuống còn 9,4% năm 2015... Với một huyện miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Tràng Định, những kết quả đó có ý nghĩa quan trọng để huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Ông Lý Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tràng Định không chỉ có quỹ đất nông lâm nghiệp rộng lớn: 95.764 ha, (chiếm 95,8% diện tích tự nhiên) mà còn có cánh đồng Thất Khê rộng 1.361,6 ha, được coi là “vựa lúa” của tỉnh Lạng Sơn. Trên địa bàn cũng có nhiều sông, suối với tổng chiều dài 1.020 km, phân bố đồng đều tạo nên những vùng đất màu mỡ và hệ thống kênh mương tự nhiên tưới tiêu cho các loại cây trồng, vật nuôi.
Phát huy lợi thế này, Tràng Định đã tập trung đưa vào nhiều loại giống cây, con mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh các loại cây lương thực, thực phẩm truyền thống. Huyện còn đẩy mạnh phát triển các loại cây ngắn ngày đặc trưng cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây thạch đen luôn duy trì ổn định từ 1.500-2.000 ha, cho năng suất bình quân từ 5,8-6 tấn/ha. Trong giai đoạn từ 2011-2015, huyện cũng đã triển khai Đề án phát triển cây ăn quả và hình thành được hai vùng cây ăn quả tập trung với diện tích 100 ha cây lê tại địa bàn các xã Tri Phương, Quốc Khánh, Đội Cấn và diện tích 400 ha cây quýt tại các xã Kim Đồng, Tân Tiến, Chí Minh, Chi Lăng… đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nông dân. Ngoài ra, để khai thác hiệu quả diện tích đất đồi rừng, Tràng Định đã tập trung phát triển các loại cây lâm nghiệp như hồi, quế…
Nhằm khai thác lợi thế diện tích đồi rừng rộng lớn, Tràng Định thúc đẩy phát triển chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi theo hộ gia đình, trên địa bàn huyện còn xuất hiện một số mô hình sản xuất quy mô lớn, điển hình phải kể đến dự án nuôi bò thịt do của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Cửa Đông tại thôn Pắc Pàu, xã Trung Thành, hứa hẹn sẽ tạo ra xung lực mới thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển trong những năm tới.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp
Tràng Định có hệ thống giao thông thuận tiện, có thể kết nối với các tỉnh Cao Bằng (theo quốc lộ 4), Bắc Kạn, Thái Nguyên, (quốc lộ 3B) và nước bạn Trung Quốc thông qua cửa khẩu Bình Nghi và cặp chợ biên giới Nà Nưa. Trong thời gian tới, việc hoàn thiện nâng cấp tuyến Quốc lộ 4A và nhất là tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng được đầu tư xây dựng (đã được Bộ Giao thông - Vận tải đưa vào Quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2030) sẽ mở ra cơ hội bứt phá to lớn cho Tràng Định. Trong giai đoạn hiện nay, lời giải cho bài toán phát triển kinh tế của huyện là tập trung phát triển nền tảng nông nghiệp đồng thời ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp huyện có thế mạnh.
Tuy nông - lâm nghiệp Tràng Định có bước phát triển song vướng mắc hiện nay là trên địa bàn huyện chưa có nhiều cơ sở chế biến nên sản phẩm do người nông dân làm ra vẫn bị ép giá, phụ thuộc nhiều vào thị trường của nước nhập khẩu như Trung Quốc. Để tìm lời giải cho bài toán này, huyện đã thực hiện nhiều cơ chế khuyến khích hoạt động chế biến nông lâm sản và đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở chế biến ván, gỗ bóc, bột giấy, giấy bản, tăm hương… tạo giá trị 20 tỷ đồng/năm. Từ năm 2012 Tràng Định còn có 2 doanh nghiệp đầu tư vào chế biến tinh bột sắn và bột dong riềng, đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Tràng Định cũng có nhiều giải pháp phát huy thế mạnh vật liệu xây dựng, đến nay có 20 cơ sở sản xuất gạch không nung, mỗi năm sản xuất được 300 nghìn viên gạch. Trên địa bàn huyện cũng có 2 doanh nghiệp đầu tư nhà máy thủy điện gồm công trình thủy điện Bắc Khê 1 công suất 2,4MW tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng (chủ đầu tư: Công ty CP Thương mại Á Châu) và dự án Thủy điện Bắc Giang 2 công suất 20 MW (Công ty Thủy điện Sử Pán 1 làm chủ đầu tư).
Cũng theo ông Lý Văn Lâm, trong 5 năm 2011-2015, huyện đã thu hút được 61 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trên địa bàn với số vốn 197 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn nguyên liệu, nhân lực như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, thực phẩm, chế biến nước giải khát…phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp và nông thôn, đồng thời khuyến khích những cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN có quy mô vừa và nhỏ, có công nghệ hiện đại, các mô hình hợp tác xã sản xuất TTCN… tạo động lực đưa kinh tế huyện phát triển nhanh hơn.
|