Quản lý và khai thác bền vững giá trị di sản Vịnh Hạ Long

10:58:23 | 30/10/2014

Ngày 1/11/2014, Quảng Ninh kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Xác định Vịnh Hạ Long là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, đóng góp lớn để phát triển kinh tế, Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc khai thác, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, nhằm đưa Vịnh trở thành một trong những điểm du lịch tốt nhất.

Tiềm năng lớn

Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, lượng khách đến tham quan Vịnh Hạ Long ngày càng tăng. Từ 1996 đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón 26,6 triệu lượt khách, trong đó trên 13,7 triệu lượt khách Việt Nam và 12,9 triệu lượt khách nước ngoài, doanh thu từ phí tham quan hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là con số rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý, phát huy Vịnh Hạ Long.

Đến nay trên Vịnh Hạ Long đã triển khai đầu tư nhiều dự án công trình như tại khu vực động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti Tốp, bãi tắm Soi Sim, Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn...Các công trình, dự án trên cơ bản tuân thủ theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020, đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ được các giá trị tự nhiên, vừa làm tăng giá trị và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, góp phần quan trọng phục vụ phát triển du lịch Vịnh Hạ Long.


Cùng với các hoạt động quản lý, bảo tồn, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ, giao lưu quốc tế, tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như: Ủy ban Di sản thế giới, Trung tâm Di sản thế giới, mạng lưới các Di sản thiên nhiên thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Diễn đàn Du lịch Đông Á (EATOF), Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, tổ chức NewOpenWorld, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)…Từ các mối quan hệ trên, nhiều hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế, văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực du lịch đã được triển khai, nhiều chương trình dự án được tài trợ thực hiện, từng bước đưa công tác quản lý Di sản hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo tồn Di sản-Kỳ quan thế giới, nâng cao vị thế, uy tín và góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long và Quảng Ninh, Việt Nam ra thế giới.

Để tạo thêm các sản phẩm, các tuyến điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long, đồng thời giảm áp lực của khách du lịch tại vùng lõi của Di sản, tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định công nhận thêm 3 tuyến tham quan mới trên Vịnh Bái Tử Long nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho khách tham quan và tạo thuận lợi, cơ hội cho công tác bảo tồn, phát huy.

Cộng đồng chung tay, doanh nghiệp giúp sức

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nình thì  chủ trương của tỉnh là thực hiện hình thức hợp tác công-tư, quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long sẽ áp dụng theo mô hình đầu tư công-quản lý tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long. Phí thăm quan vịnh Hạ Long và kinh doanh dịch vụ cùng với việc bảo tồn di sản sẽ được tách bạch. Theo đó việc bảo tồn di sản sẽ giao cho Ban quản lý Vnh Hạ Long, còn việc thu phí, dịch vụ kinh doanh sẽ để doanh nghiệp đấu thầu. Việc giao cho doanh nghiệp là quyền quản trị về thu phí và dịch vụ chứ không giao Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp.

Vì vậy cùng với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư quanh khu vực Vịnh nhằm vận hành và khai thác tối đa tiềm năng du lịch Vịnh Hạ Long đang giúp Du lịch Quảng Ninh tạo ra diện mạo mới. Một trong những nhân tố thúc đẩy góp phần tạo nên thành tựu về quản lý, phát huy giá trị di sản đó là sự chia sẻ về lợi ích với doanh nghiệp, cộng đồng. Trước hết, đối tượng chiếm phần lớn và trực tiếp hưởng lợi, được chia sẻ lợi ích từ khai thác, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, giá trị di sản đó là các cá nhân, tổ chức, đơn vị trực tiếp tham gia hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, trong đó hoạt động kinh doanh vận chuyển khách trên vịnh được coi là chủ yếu và điển hình nhất.

Theo thống kê, trên Vịnh Hạ Long hiện nay có khoảng 500 tàu thuyền các loại có khả năng vận chuyển 30.000 lượt khách du lịch/ngày thăm Vịnh, trong đó có trên 145 tàu lưu trú nghỉ đêm. Chỉ tính riêng lượt khách tham quan trung bình hàng năm đạt từ 2,5 đến 2,7 triệu lượt khách đã có thể thấy sự sôi động, nhộn nhịp và giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp từ hoạt động này. Bên cạnh đó là hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh, hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ... khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long để phục vụ cho khách du lịch tham quan cũng được hưởng lợi gián tiếp từ Vịnh. Đặc biệt, cộng đồng ngư dân địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ngoài việc phát triển của các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản từ nguồn lợi biển, ngư dân còn trực tiếp tham gia và được chia sẻ lợi ích về phát triển du lịch thông qua hoạt động dịch vụ du lịch, điển hình là hoạt động chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long. Đây là dịch vụ có từ năm 2009 - một sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng mới, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài. Hiện nay có 4 đơn vị tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ này với tổng số 108 đò vận chuyển khách tham quan. Trung bình mỗi tháng có khoảng 20.000 lượt khách tham gia sử dụng dịch vụ. Dịch vụ này đã góp phần tạo việc làm cho hơn 100 ngư dân, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra ngư dân còn được làm việc trực tiếp tại Ban Quản lý vịnh Hạ Long và một số doanh nghiệp khác.

Tỉnh Quảng Ninh còn áp dụng cơ chế đầu tư công, quản trị tư đối với một số điểm du lịch đã có đầu tư từ ngân sách nhà nước; kêu gọi, lập dự án đầu tư đối với các điểm du lịch, điểm nghỉ đêm, các hoạt động dịch vụ mới. Các dự án phát triển các hoạt động dịch vụ trên Vịnh bằng nguồn kêu gọi xã hội hóa theo cơ chế Nhà nước thu phí tài nguyên, danh lam thắng cảnh, các doanh nghiệp khai thác các dịch vụ du lịch. Các cơ chế linh hoạt này đang từng ngày thay đổi Vịnh Hạ Long, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Duy Hưng