10:25:56 | 2/12/2014
Nhật Bản hiện đã trở thành đối tác quốc tế lớn thứ 2 trong ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, đồng thời tốc độ tăng trưởng trong hợp tác luôn dẫn đầu so với các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản càng phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh những biến động về địa chính trị trong khu vực cùng với sự chuẩn bị tốt hơn từ phía các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Lê Sáng thực hiện.
Nhật Bản hiện là đối tác chiến lược của ngành CNTT của Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã sẵn sàng như thế nào cho việc hợp tác sâu rộng hơn với doanh nghiệp Nhật Bản, thưa ông?
Theo báo cáo của Tổ chức xúc tiến CNTT Nhât Bản (IPA), từ năm 2009 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị trí là đối tác được ưa thích nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản với 31.5% phiếu bình chọn của doanh nghiệp Nhật (Ấn Độ là 20.6% và Trung Quốc là 16,7%).
Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho hợp tác Việt – Nhật, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc đào tạo trình độ công nghệ, văn hoá kinh doanh của Nhật, tiếng Nhật cho nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, triển khai các quy trình chất lượng và bảo mật thông tin. Một số trường đại học trong đó có Đại học FPT, Đại học Bách Khoa đã có những chương trình đào tạo nhân lực phục vụ thị trường Nhật Bản và nhận được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thị trường, tìm kiếm đối tác tại Việt Nam và Nhật Bản. Số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường Nhật Bản ngày càng đông đảo với nhiều gương mặt mới của những doanh nghiệp rất trẻ, đã từng học tập và làm việc tại Nhật Bản. Về phía VINASA hàng năm cũng tổ chức nhiều chương trình khảo sát thị trường tìm kiếm đối tác, giao thương hợp tác, tham gia triển lãm CNTT tại Việt Nam và Nhật Bản. Các chương trình đều có sự tham gia của rất đông doanh nghiệp tham gia chương trình.
Theo ông, bối cảnh hiện nay đã mở ra những cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam là như thế nào?
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có cơ hội lớn chưa từng có để phát triển hợp tác, mở rộng thị trường với đối tác Nhật Bản. Tình hình chính trị trong khu vực, những dự án lớn, cần rất nhiều nguồn nhân lực triển khai tại Nhật Bản như dự án My Number, các dự án nâng cấp công nghệ từ các hãng công nghệ, ngân hàng lớn của Nhật, công tác chuẩn bị cho Olympic năm 2020 tại Nhật… mở ra cơ hội hợp tác rất lớn cho doanh nghiệp hai nước, đồng thời cũng là thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đón đầu các hợp tác này.
Phương thức/ cách thức hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong triển khai các dự án lớn cũng là thách thức lớn trong hợp tác của doanh nghiệp hai nước. Các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sẽ cần cởi mở và phối hợp chặt chẽ hơn với nhau để đảm bảo thành công cho các dự án này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tổ chức công tác phối kết hợp cho hiệu quả mới có khả năng nhận được các dự án lớn từ Nhật Bản.
Việc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu tích cực, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng có giá trị tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ, nhất là khi các doanh nghiệp Nhật Bản đặt trụ sở tại Việt Nam và sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn khi họ sẽ tận dụng lợi thế về kinh nghiệm, khách hàng để khai thác triệt để điểm mạnh nhất của thị trường Việt Nam là giá nhân công, trình độ nhân lực. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đứng trước hai lựa chọn: Phát triển theo kịp trình độ quốc tế hoặc tự đào thải khỏi thị trường.
Chất lượng và số lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề quan tâm và thách thức lớn đối với doanh nghiệp của hai nước. Sắp tới khi trường Đại học Việt – Nhật bắt đầu công tác đào tạo cũng sẽ cung cấp 1 nguồn nhân lực tốt cho hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong tương lai.
Trong phạm vi của mình VINASA đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam nói chung và các hội viên của mình nói riêng ra sao trong việc phát triển cả về chất và lượng nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu hội nhập, nhất là với các đối tác Nhật Bản?
Nhằm thúc đẩy hợp tác CNTT giữa Việt Nam - Nhật Bản, ngay từ ngày đầu thành lập VINASA đã thành lập Câu lạc bộ hợp tác CNTT VINASA – Nhật Bản vào năm 2003, viết tắt là VJC. VJC có văn phòng đóng tại trụ sở VINASA tại Hà Nội và chi nhánh VINASA tại TP. Hồ Chí Minh. VJC đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam và Nhật Bản, hỗ trợ các thành viên Câu lạc bộ trong cả hoạt động gia công phần mềm và phát triển thị trường trong nước.
Hàng năm VINASA cũng nhận được các chương trình hỗ trợ trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác Việt - Nhật như các chương trình nhận thực tập sinh từ Nhật sang Việt Nam, tìm hiểu thông tin, tang cường kết nối, hợp tác, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản. Hiện tại VINASA cũng đang phối hợp với Tổ chức Tiên phong về CNTT tại thành phố Sapporo triển khai chương trình hợp tác đào tạo nhân lực trong thời gian 3 năm từ 2014 – 2016. Công tác đào tạo sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2 năm 2015. Đây là chương trình hỗ trợ rất tốt cho hợp tác Việt Nhật trong thời gian tới.
Ngoài ra hàng năm, VJC và VINASA đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp CNTT hai nước như: Ngày CNTT Việt Nam (Vietnam IT Day) tại Tokyo vào tháng 2 hàng năm, ngày CNTT Nhật Bản (Japan ICT Day) tại Việt Nam vào tháng 10 hàng năm, đoàn giao thương tham gia hội chợ triển lãm phát triển phần mềm (SODEC) ở Tokyo, các khóa học đào tạo phối hợp với AOTS, CICC, hoạt động kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp CNTT hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Trong quá trình hoạt động và phát triển, VJC luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức Nhật Bản tại Việt Nam như: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JETRO, JBA, Japan Foundation, VJCC, OESF,….và các hiệp hội bạn tại Nhật Bản như: Hiệp hội CNTT Nhật Bản - JISA, Hội phần mềm Nhật Bản - NSA, Hội phần mềm nhúng Nhật Bản – JASA... Trải qua gần 10 năm hoạt động và phát triển, vai trò của VJC đã góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực CNTT.
Theo ông, để CNTT thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia như chủ đề của Vietnam ICT Summit 2013 thì đâu là những việc “cần làm ngay và triệt để”?
Tại Vietnam ICT Summit 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “công nghệ thông tin là trục kết nối chính và là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
Thủ tướng đã định hướng và chỉ đạo 7 nội dung cần thực hiện đối với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, gồm: Một là nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm công nghệ thông tin là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội; Hai là xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia; Ba là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới. Bốn là xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất; Năm là tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường công nghệ thông tin; Sáu là tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguôn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển công nghệ thông tin; và Bảy là phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Với vai trò đại diện tiếng nói cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam nói chung và các hội viên VINASA nói riêng, ông có thông điệp gì gửi tới các doanh nghiệp Nhật Bản?
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa các doanh nghiệp Việt – Nhật trong CNTT, từ đào tạo đến chuyển giao công nghệ, từ ủy thác phát triển phần mềm đến nghiên cứu triển khai nền tảng công nghệ mới SMAC (mạng xã hội – di động – dữ liệu lớn – điện toán đám mây) là yêu cầu bức thiết vì sự thịnh vượng và phát triển của hai dân tộc, vì hòa bình và ổn định trên thế giới.
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc