10:31:25 | 31/8/2015
Cuối tháng 5/2015, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU- gồm 4 thành viên chính thức là Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia, riêng Kyrgyzstan hiện đang trong giai đoạn phê chuẩn để trở thành thành viên chính thức) đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do. Cuối tháng 7/2015, văn bản Hiệp định đã được công bố.
Ðây là FTA được dự báo có tác động rất tích cực, đặc biệt cho xuất khẩu của Việt Nam khi Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh Á Âu và do đó sẽ là đối tác duy nhất được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm nhập khẩu chính từ Việt Nam là: điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả. Các sản phẩm xuất khẩu chính sang Việt Nam là: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị
Các nội dung chính
Nội dung đáng chú ý trong Hiệp định là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa (qua loại bỏ thuế quan) của EAEU cho Việt Nam, có thể chia thành các nhóm : nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (EIF): gồm 6.718 dòng thuế, chiếm khoảng 59% biểu thuế ; nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2025): gồm 2.876 dòng thuế, chiếm khoảng 25% biểu thuế ; nhóm giảm ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực 25% so với thuế hiện tại và sau đó giữ nguyên: bao gồm 131 dòng thuế, chiếm khoảng 1% biểu thuế.
Ngoài ra, còn nhóm không cam kết (N/U): bao gồm 1.453 dòng thuế, chiếm 13% biểu thuế (nhóm này được hiểu là EAEU không bị ràng buộc phải loại bỏ hay giảm thuế quan, nhưng có thể đơn phương loại bỏ/giảm thuế nếu muốn) ; nhóm áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng (Trigger): gồm 180 dòng thuế, chiếm khoảng 1,58% biểu thuế. (Đây là biện pháp nửa giống hạn ngạch thuế quan (có ngưỡng giới hạn về số lượng), nửa giống phòng vệ (có thủ tục tham vấn đánh giá về khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nơi nhập khẩu).
Sản phẩm áp dụng là một số sản phẩm trong nhóm dệt may, da giầy và đồ gỗ được quy định trong Phụ lục về các sản phẩm áp dụng Biện pháp phòng vệ ngưỡng trong Hiệp định.
Đối với mỗi sản phẩm, mỗi năm sẽ áp dụng một ngưỡng mà nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm đó vào EAEU vượt quá ngưỡng quy định cho năm đó thì phía EAEU sẽ ngay lập tức thông báo bằng văn bản cho phía Việt Nam.
Đối với nhóm hạn ngạch thuế quan, chỉ có 2 sản phẩm là gạo và lá thuốc lá chưa chế biến.
Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam cho EAEU chia làm 4 nhóm: nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (EIF): chiếm khoảng 53% biểu thuế; nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2026): chiếm khoảng 35% tổng số dòng thuế; nhóm không cam kết (U): chiếm khoảng 11% tổng số dòng thuế trong biểu thuế; nhóm cam kết khác (Q): các sản phẩm áp dụng Hạn ngạch thuế quan...
Đáng chú ý, cam kết mở cửa của Việt Nam đối với một số sản phẩm chủ lực của EAEU như xăng dầu ( xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm 2027), sắt thép (xoá bỏ ngay: nguyên liệu thô, 1 số ống thép hàn, ống thép không hàn, thép cuộn cán nóng, thép đặc biệt và thép hợp kim chế tạo cơ khí,.... Lộ trình 5 năm: 1 số loại thép không gỉ, SP sắt thép... Lộ trình 7-10 năm: phôi thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và phủ màu, thép xây dựng...); phân bón ( xóa bỏ ngay: phân DAP, Urê, một số loại khác. Lộ trình 10 năm: phân NPK. Loại trừ: phân SA).
Ngoài ra, còn có rượu bia (xóa bỏ thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm đối với: bia, đồ uống có cồn (Vodka, rượu mạnh khác), rượu vang); Máy móc thiết bị ( xoá bỏ ngay: 1 số dụng cụ, thiết bị quang học, sp công nghiệp kỹ thuật cao, hàng gia dụng, sp điện tử và linh kiện, … Lộ trình 3 năm: Máy kéo, động cơ điện,…Lộ trình 5 năm: Dụng cụ từ kim loại cơ bản, ắc quy điện,…Lộ trình 10 năm: Pin, quạt, máy biến thế,… ); Phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đối với hàng nông sản, VN cam kết xoá bỏ ngay thuế nhập khẩu: thịt bò, sản phẩm sữa, bột mì. Lộ trình 3-5 năm: thịt, cá đóng hộp, và đã chế biến. Lộ trình 5 năm: thịt gà, thịt lợn. Về hàng thủy sản, xóa bỏ ngay: tôm, cua, hàu, mực, …Lộ trình 5 năm: cá tươi hoặc ướp lạnh (0302),…Lộ trình 10 năm: cá đông lạnh (0303),…
Về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), trong khi một số FTA thế hệ mới như TPP, FTA Việt Nam – EU hướng tới việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, thì FTA Việt Nam – EAEU vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước quy định như trong các FTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện.
Theo Hiệp định này, Việt Nam và EAEU đã cam kết sẽ nỗ lực để áp dụng Hệ thống xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử (EOCVS) trong vòng tối đa 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu mạng ghi lại thông tin của tất cả Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan được ủy quyền, và cơ quan hải quan nước nhập khẩu có thể truy cập và kiểm tra tính hiệu lực và nội dung của bất kỳ Giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp nào.
Khi có tình trạng gian lận xuất xứ có tính hệ thống, hoặc bên xuất khẩu từ chối không chính đáng và có hệ thống việc xác minh (bằng văn bản hoặc thực tế) của bên nhập khẩu về tình trạng gian lận, thì bên nhập khẩu có thể tạm ngừng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa và nhà xuất khẩu có liên quan.
Các nội dung cam kết khác của Hiệp định về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Phát triển bền vững... chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA đã ký hoặc đang đàm phán.
Một số “rào cản trá hình”
Việt Nam hiện đang cùng lúc đàm phán rất nhiều FTA với các đối tác lớn. Mỗi FTA lại đem đến cho doanh nghiệp những cơ hội khác nhau. FTA Việt Nam – EAEU được kỳ vọng sẽ mang lại các lợi ích lớn về thương mại hàng hóa bởi ít nhất 03 lý do: thứ nhất, EAEU trong đó đặc biệt là Nga là một thị trường rộng lớn mà hiện vẫn tương đối đóng với hàng hoá nước ngoài (thông qua hàng rào thuế quan cao). Cụ thể, dù đã gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn còn là cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. FTA Việt Nam - EAEU có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này. Thứ hai, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của EAEU đến thời điểm này. Trên thực tế, khu vực EAEU đã từng đàm phán FTA với một số nước nhưng không đạt được tiến triển và bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Vì vậy, ký được FTA với khu vực này, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế đặc biệt. Thứ ba, cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và các nước EAEU là tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Do đó những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt nhiều. Đặc biệt, hiện tại mạng lưới người Việt sống, học tập và làm việc tại Nga tương đối đông đảo, các doanh nghiệp có thể tận dụng các kinh nghiệm và mối quan hệ từ mạng lưới này để tiếp cận thị trường này.
Tuy nhiên, theo cam kết tại Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho khoảng 90% các sản phẩm đến từ các nước EAEU, đặc biệt là các sản phẩm mà khu vực này có thế mạnh xuất khẩu như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Vì vậy, về lý thuyết, việc mở cửa sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể cho các ngành sản xuất trong nước.
Mặc dù vậy, theo phân tích của các chuyên gia, nguy cơ này được cho là không quá đáng lo ngại bởi rất nhiều các sản phẩm trong số này Việt Nam không sản xuất được, phải nhập khẩu. Với các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, thì thực tế VN cũng đã mở cửa theo các FTA đã có, hoặc dự kiến cũng sẽ mở cửa trong các FTA sắp tới rồi, nên tác động đến các doanh nghiệp trong nước của Hiệp định này, nếu có, thì cũng không phải là cú sốc quá lớn. Và thách thức sẽ là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh chưa hiệu quả.
Đặc biệt, các DNVN cần chú ý, so với nhiều thị trường khác, thị trường EAEU có một số đặc điểm riêng có thể tạo ra những rủi ro nhất định cho thương mại hàng hóa, đặc biệt là sự tồn tại của nhiều loại “rào cản trá hình” như: yêu cầu về TBT, SPS không ổn định, thiếu minh bạch, do đó rất khó dự kiến trước; quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối 5 nước EAEU. Ngoài ra còn có các rào cản khác như giao dịch với đối tác EAEU sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ tiếng Nga (chứ không sử dụng tiếng Anh thông dụng); thiếu thông tin về đối tác bạn hàng không sẵn có; cơ chế thanh toán không thuận tiện…
FTA Việt Nam – EAEU chưa xử lý được các loại rào cản này. Trong khi đó, nếu không vượt qua được những rào cản này, các lợi ích mà việc loại bỏ thuế quan, mở cửa thị trường mà Hiệp định mang lại sẽ bị vô hiệu hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý xử lý các rào cản này để tiếp cận thị trường EAEU, tận dụng lợi ích thuế quan to lớn mà Hiệp định này mang lại.
Anh Mai
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.