Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài: Những chuyển biến tích cực

13:51:18 | 3/8/2010

Hiện nay, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã có sự chuyển biến mạnh mẽ bởi những tiềm năng thế mạnh đã được đánh thức bằng những hoạch định đúng hướng mang tính chiến lược.

Ông Phan Minh Thành - Trưởng Ban Quản Lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tính đến nay, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 35 nhà đầu tư với hơn 47 dự án, đăng ký sử dụng 1.675 ha đất với tổng vốn đầu tư 5.828,609 tỷ đồng và 219,125 triệu USD (36/43 dự án), trong đó có 6 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, 8 dự án về nhà ở, khu dân cư, 30 dự án thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ, 1 dự án khu du lịch sinh thái, đặc biệt có 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, sân golf và may giày xuất khẩu. Đã có 12 dự án (chủ yếu trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ và nhà ở đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện là 980 tỷ đồng và 17,963 triệu USD. Dự kiến trong quý IV năm 2010 với việc đưa nhà máy sản xuất giày thể thao công suất 10 triệu đôi/năm của Công ty CP Việt Nam Mộc Bài ( 100% vốn nước ngoài) vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho trên 10.000 lao động. Việc thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư đã mang đến cho khu kinh tế này một sự đổi thay tích cực.

Do đẩy mạnh thu hút đầu tư, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Bến Cầu. Ngoài ra, các hoạt động thương mại tại Mộc Bài còn có tác dụng khai thông thị trường nội địa, hình thành mạng lưới thương mại khu vực biên giới Tây Ninh, tạo đà cho ngành dịch vụ phát triển.

Về mặt xã hội, hiện nay với sự hoạt động của khu TM - CN Mộc Bài, tình hình “cửu vạn” mang vác hàng lậu qua biên giới hầu như không còn. Qua hoạt động của các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài khu phi thuế quan cùng các công trình xây dựng của các nhà đầu tư đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.800 lao động chủ yếu là lao động địa phương, sắp tới khi triển khai thêm các khu công nghiệp, số lao động được giải quyết việc làm của tỉnh sẽ lên đến hàng chục nghìn người. Trình độ nghiệp vụ, kỹ năng người lao động địa phương từng bước được cải thiện, chất lượng nguồn lao động được nâng cao.

Khu kinh tế còn tạo hiệu ứng dây chuyền động trong phát triển thu nhập dân cư. Cùng với hoạt động kinh doanh, các hoạt động dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ viễn thông, vận chuyển hành khách công cộng phát triển mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Hoạch định chiến lược để phát huy hết tiềm năng

Xuất phát từ lợi thế về địa lí kinh tế, Mộc Bài được Chính phủ cho áp dụng một số chính sách thí điểm với cơ chế ưu đãi đặc biệt có tính chất đổi mới trong cải cách thể chế. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã có vai trò nhất định trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với các mục tiêu sau:

Phấn đấu trở thành vùng động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một đô thị cửa khẩu, một trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông Tây tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh, góp phần tạo ra động lực mới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tây Ninh trong thời kỳ mới, tạo ra khu vực thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, phát triển sản xuất công nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, đặc biệt khu vực biên giới và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, văn hóa xã hội trên cơ sở tạo được nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực này với các vùng khác trong cả nước.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có quy mô dân số đô thị khoảng 100.000 người vào năm 2020 với diện tích đô thị khoảng 7.400ha.

Định hướng phát triển khu kinh tế Mộc Bài tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chủ yếu như thương mại-dịch vụ, công nghiệp gia công, chế biến, lắp ráp phục vụ xuất khẩu.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo định hướng

Trong thời gian tới, BQL Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tiếp tục xúc tiến thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2011 đưa vào hoạt động một KCN quy mô 100,16 ha (KCN thương mại tài chính) tạo tiền đề cho việc đưa vào sử dụng 4 KCN còn lại vào các năm tiếp theo. Hoàn chỉnh các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sân golf.

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, xúc tiến kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng KCN 300 ha dọc sông Vàm Cỏ và một KCN 100 ha trên đường 786. Chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư các loại hình công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu… kêu gọi thực hiện đầu tư theo hình thức ODA, BOT trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, khuyến khích các dự án đào tạo nguồn nhân lực cho khu kinh tế.

Nguyên Nguyên