Người thu nhập thấp lại chờ đợi chính sách

08:03:22 | 16/8/2016

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội hết thời hạn thì tháng 6- 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kế hoạch hỗ trợ lãi suất mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức lãi suất 4,8%/năm. Như vậy, giấc mơ được sở hữu nhà ở của người có thu nhập thấp tiếp tục được nối dài. Nhưng việc tiếp cận nguồn này như thế nào đang khiến nhiều người băn khoăn, thắc mắc.

Giấc mơ được nối dài

Để hỗ trợ người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, ngày 20/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tiếp đó, ngày 9/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25/2015 hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội. Theo đó, 5 ngân hàng được chỉ định thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ người dân mua nhà là ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại cổ phần gầm: VietcomBank, VietinBank, BIDV và Agribank.


Đến ngày 6/6/2016, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng chính sách xã hội. Theo đó, mức lãi suất cho vay đối với các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp (được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP) được áp dụng ở mức 4,8%/năm (tương đương với 0,4%/tháng). Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký kết cho đến hết ngày 31/12/2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở đối với người dân vẫn còn rất lớn, đặc biệt với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với họ, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nếu có không có sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía nhà nước là hết sức khó khăn. Bởi với mặt bằng giá BĐS như hiện nay thì với thu nhập của đa số người dân thì dù có tiết kiệm, chắt chiu nhiều năm cũng khó có đủ để mua được nhà ở. Theo con số thống kê của Bộ Xây dựng, trong số những người có nhu cầu về nhà ở thì có đến 80% người dân không đủ khả năng tự mình chi trả theo giá cả thị trường. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đưa ra vào cuối năm 2015 thì có hơn 40% hộ gia đình Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này họ không đủ khả năng để mua nhà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, hay Đà Nẵng…

Cơ hội nhỏ dần…

Với chính chính sách mới, kịp thời của Chính phủ sau khi gói 30 nghìn tỷ khép lại đã phần nào khiến người thu nhập thấp cảm thấy yên tâm và có nhiều hy vọng được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng  Chính sách xã hội với mức lãi suất thấp. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như giới kinh doanh BĐS đều cho rằng Quyết định 1013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là kịp thời bởi đây là phân khúc có nhu cầu thực về nhà ở, đồng thời cũng sẽ góp phần kích cầu thị trường BĐS. Tuy nhiên thời gian thực hiện của Quyết định này cũng gây ra không ít hụt hẫng cho người dân khi nó chỉ kéo dài đến hết năm 2016. Như vậy, đến thời điểm này chỉ còn 5 tháng nữa để người thu nhập thấp níu kéo giấc mơ sở hữu nhà ở trong khi quy trình, thủ tục để tiếp cận nguồn vốn vay này vẫn còn chưa có gì cụ thể. Theo một các bộ phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội thì đến thời điểm này, ngân hàng vẫn chưa được cấp vốn dành cho gói ưu đãi này và văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa có nên không thể triển khai được.

Theo đại diện của 5 ngân hàng được chỉ định triển khai gói tín dụng ưu đãi này thì đến nay, tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy và chưa có một trường hợp nào tiếp cận được gói tín dụng này mặc dù Thủ tướng Chính phủ ấn định mức lãi suất cho vay sớm hơn các ngân hàng còn lại, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ thực hiện chương trình nhà ở xã hội theo quyết định mới của Chính phủ, song cũng chỉ biết… chờ!

Như vậy với thời gian ít ỏi còn lại, người dân vẫn phải tiếp tục chờ khiến cho cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi ngày càng ít đi. Để người dân an tâm, rất cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng để tiếp tục góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người dân.

Lương Tuấn