Ngày 8/8 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ một tổ chức với 5 thành viên đầu tiên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, ASEAN đã kết nạp thêm Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997) và Campuchia (1999).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ASEAN đang làm chủ vận mệnh của mình, giữ vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực đang định hình, là một điểm sáng về hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Theo Thủ tướng, “vượt qua nhiều thăng trầm, ASEAN đã vươn lên, từ một tổ chức nhỏ bé ban đầu trở thành một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh gồm 10 nước Đông Nam Á hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN, gắn kết toàn diện, sâu rộng trên các trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội”.
Với hơn 630 triệu dân, nền kinh tế có tổng GDP đạt gần 2.600 tỷ USD/năm, đứng thứ 6 trên thế giới, cùng môi trường hòa bình, ổn định, ASEAN là một điểm sáng về hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi ASEAN là trụ cột – là ưu tiên chiến lược. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục gắn bó và nỗ lực cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định và vững mạnh; thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết và hợp tác chặt chẽ thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả ba trụ cột Cộng đồng, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trong những năm qua, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam và ASEAN ngày càng phát triển.
Từ năm 1967, tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN luôn dương, trừ năm 1998 ( năm đỉnh điểm khủng hoảng tài chính châu Á). Từ năm 1999, tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN dao động từ 2,5% đến 7,5%. Trong thập kỷ đầu của ASEAN, GDP bình quân đầu người tiến triển chậm. Sau khi phục hồi từ khủng hoảng tài chính châu Á, chỉ số này tăng mạnh từ năm 2002 đến năm 2014, chỉ giảm nhẹ trong năm 2009 (phản ánh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008). Sự sụt giảm nhẹ cũng được ghi nhận vào năm 2015 trước khi chỉ số tăng đến mức 4.021 USD năm 2016.
Năm 2016, tổng GDP của ASEAN đứng thứ sáu trên thế giới và đứng thứ ba ở châu Á với 2,55 nghìn tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 1999, năm ASEAN kết nạp thành viên cuối cùng. Dự báo ASEAN sẽ vươn lên ở vị trí thứ năm thế giới vào năm 2020.
Thị trường nội khối ASEAN đóng vai trò lớn trong sự phát triển thương mại của hiệp hội. ASEAN đã đưa vào Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nhằm mục tiêu cắt giảm loại bỏ các hàng rào thuế quan, tăng hiệu quả thương mại và tăng cường liên kết kinh tế giữa các nước thành viên. Năm 2015, cơ bản các mặt hàng được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018.
Năm 1996, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Sau 20 năm, ASEAN là thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất xứ Việt Nam lớn thứ 4, sau Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc; hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN – ASEAN tăng gấp 7 lần sau 20 năm VN trở thành viên của khối này. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2016 đạt 41,49 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước ASEAN trong năm 2016 đạt gần 17,45 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2015. So với thời điểm gia nhập cộng đồng này cách đây 20 năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN năm 2016 tăng 6,8 lần với tốc độ tăng bình quân 10% năm.
Nhập khẩu hàng hóa xuất xứ ASEAN năm 2016 đạt 24,04 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 7,2 lần so với năm 1996. Sau 20 năm gia nhập, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ ASEAN đạt tốc tộ tăng 10,4% mỗi năm.
Cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN và trong suốt 20 năm gia nhập, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Năm 1996 thời điểm gia nhập ASEAN Việt Nam thâm hụt với khối này là 745 triệu USD, thì đến năm 2016 thâm hụt 6,59 tỷ USD.
Thương mại Việt Nam - ASEAN năm 2016 chủ yếu sang 6 thị trường chiếm 96,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN.
Trong đó, Thái Lan là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, thương mại song phương năm 2016 đạt 12,54 tỷ USD, chiếm 30,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và ASEAN.
Thương mại song phương Việt Nam - Malaixia đứng thứ 2 trong ASEAN và năm 2016 tăng gấp 30 lần so với năm 1996, đạt 8,51 tỷ USD, chiếm 20,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN.
Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt 7,16 tỷ USD, chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - ASEAN. Indonexia đứng thứ 4 với kim ngạch song phương năm 2016 đạt 5,61 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN.
Camphuchia, Philippin, Lào và Myanma là các thị trường đem lại thặng dư thương mại cho Việt Nam. Trong đó, Campuchia là thị trường đem lại thặng dư lớn nhất với hơn 1,47 tỷ USD, thị trường Philipin là 1,16 tỷ USD; Myanma là 375 triệu USD; Lào là 132 triệu USD.