Tái định hướng chính sách thu hút FDI

15:10:40 | 29/1/2018


Năm 2017 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)là một trong những điểm sáng ấn tượng nhất. Không chỉ là quốc gia có địa chính trị - kinh tế ổn định mà những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cũng được đánh giá là yếu tố hàng đầu thúc đẩy vốn FDI tăng cao.

Thu hút FDI đạt kỉ lục

Theo chuyên gia về đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, thu hút FDI năm 2017 có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua. Số liệu thống kê mới được công bố cho thấy năm 2017, Việt Nam thu hút được 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay.



Năm 2017 là năm Việt Nam thu hút được nhiều dự án “tỷ đô” và hầu hết các dự án này đều đến từ các đối tác truyền thống lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản… Dẫn đầu danh sách là Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW. Một dự án khác cũng đến từ nhà đầu tư Nhật Bản là Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với công suất 1.320MW với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD. Tiếp theo về thứ hạng là tập đoàn Samsung đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam bằng Dự án SamSung Display tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD.

Nếu tính về số lượng dự án thì trong năm 2017 Việt Nam đã thu hút được trên 2.300 dự án mới được cấp GCNĐT, 1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và hơn 4.500 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Một động lực cho tăng trưởng kinh tế

Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố: Xuất khẩu của khu vực FDI trong năm 2017 (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 152,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016, chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhập khẩu đạt 126,44 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ 2016, chiếm gần 59,9% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tính chung, khu vực FDI năm 2017 xuất siêu 28,8 tỷ USD (kể cả dầu thô)

Là một trong những người đầu tiên tham gia vào việc quản lý nhà nước về FDI, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (SCCI) nhận xét: thành tựu của đất nước trong 30 năm đổi mới và hội nhập có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế FDI. Đó là: FDI đã tạo ra khoảng 22 – 25% tổng vốn đầu tư xã hội tính từ năm 1991 đến 2017, với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 161 tỷ USD; FDI chiếm khoảng hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp (những công trình lớn nhất từ dầu khí, công nghệ chế tạo, sắt thép, dầu đều là FDI…); FDI tạo ra sự dịch chuyển các ngành nghề trong xã hội; FDI tạo ra công ăn việc làm cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp, qua đó góp phần hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Ngoài ra, FDI còn tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội.

Tái định hướng


Tính từ năm 1988 đến cuối năm 2017 số vốn đăng ký FDI được công bố khoảng trên 335 tỷ USD tỷ USD, vốn thực hiện chỉ đạt khoảng 177 tỷ USD. Tính ra mức chênh lệch giữa vốn đăng ký với thực hiện là gần 50%. Trong số chênh lệch này, theo quan điểm của vị Chủ tịch VAFIE có khoảng 2/3 là số ảo. Ông phân tích: có thể chia con số ảo trên làm 3 loại: loại chủ đầu tư chắc chắn không còn nữa (chiếm khoảng 1/3), loại thứ 2 là chủ đầu tư có vấn đề, cần rà soát xem họ có còn khả năng và có chí thú với việc đầu tư nữa hay không. Vốn có khả năng thực hiện chỉ còn khoảng 1/3 trong số đó.

Không chỉ có vậy, ông cho rằng đã đến lúc cần điều chỉnh quan điểm về thu hút vốn FDI. Trong những năm qua Việt Nam đã chấp nhận cả những dự án FDI có giá trị khoảng vài ba trăm nghìn cho đến dự án giá trị 1 đến 2 triệu USD. Hiện nay, với những dự án quy mô nhỏ, DN trong nước đã thừa sức đầu tư, vì vậy cần phải tái định hướng quan điểm và mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đó là tập trung thu hút những nguồn vốn có chất lượng cao hơn, hướng tới những công nghệ và dịch vụ của tương lai, vào cách mạng 4.0.

Một điểm hết sức quan trọng trong định hướng thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới cũng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đó là: chọn lọc, ưu tiên doanh nghiệp FDI đầu tư phù hợp với định hướng tái cơ cấu; ưu tiên doanh nghiệp có có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có quản trị tốt, có chuỗi sản xuất sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. "Mục tiêu là làm cho hai khu vực kinh tế cùng mạnh lên, phát triển đồng đều, để nền kinh tế mạnh lên", Phó Thủ tướng nói.

Nguyễn Thanh