“Mấu chốt là sự minh bạch, môi trường kinh doanh càng “đàng hoàng” thì nhà đầu tư thực chất sẽ càng đánh giá cao. Với những nhà đầu tư “tử tế” và “đẳng cấp”, một thể chế minh bạch, rõ ràng luôn luôn là yếu tố cốt lõi tạo nên sự phát triển bền vững”. Đó là quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum về yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp FDI của Việt Nam hiện nay. Lê Sáng thực hiện.
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động thu hút đầu tư FDI của Việt Nam thời gian qua?
Đầu tư nước ngoài là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong 3 thập niên qua. Là động lực nhưng đồng thời họ cũng tạo áp lực cạnh tranh lên khu vực doanh nghiệp trong nước. Thu hút được nhiều vốn FDI, song đa phần chất lượng chưa cao, hạn chế về quy mô, trình độ, tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, chưa có nhiều dự án tầm cỡ, những “con đại bàng” có khả năng tạo chân dung kinh tế. Hoặc có doanh nghiệp FDI lớn nhưng cơ bản lại chỉ đóng góp tăng trưởng về lượng, tạo khá nhiều việc làm nhưng chủ yếu là cho lao động phổ thông, ít có khả năng dẫn dắt và lan tỏa sang khu vực nội địa. Ngược lại, còn “chèn ép” khu vực tư nhân trong nước, gây ô nhiễm môi trường.
Phải nói thêm rằng, mô hình tăng trưởng chạy theo “thành tích GDP” vẫn khá phổ biến. Nó đặt các địa phương vào thế phải thu hút đầu tư bằng mọi giá để tăng GDP và thu ngân sách. Trong khi mục tiêu gốc của thu hút FDI là nhằm thay đổi đẳng cấp kinh tế thông qua việc hấp thụ công nghệ, năng lực quản trị thì chúng ta lại đang quá chú trọng đến mục tiêu định lượng. Đây là câu chuyện “cạnh tranh cùng xuống đáy” khi đua nhau “hạ giá” mình xuống, thu hút đầu tư bằng ưu đãi và thiếu những ràng buộc, hàng rào kỹ thuật cần thiết trong khi ít chú trọng đến khía cạnh chất lượng, hiệu quả phát triển, ít lo cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế để thu hút các nhà đầu tư tốt. Do đó, giai đoạn tới đây chúng ta phải thay đổi căn bản tư duy chiến lược trong việc thu hút FDI.
Theo ông đâu là lời giải cho bài toán trên?
Để cải thiện thực trạng trên cần tạo ra sự kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và khối FDI và phải xác định đúng động cơ khi thu hút đầu tư nước ngoài. Phải hấp dẫn các nhà đầu tư bằng năng lực nội tại và triển vọng phát triển chứ không phải bằng những ưu đãi ngày càng lớn, những ưu đãi này đang ngày càng tới hạn và bất cập, làm méo mó môi trường đầu tư.
Rất đáng mừng là hiện nay Chính phủ và các địa phương đang ngày càng chú trọng tính bền vững và yếu tố công nghệ trong thu hút đầu tư, chủ động cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến đầu tư có chọn lọc hướng đến những lĩnh vực, ngành nghề có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, tạo giá trị gia tăng lớn. Hàng năm, việc công bố kết quả xếp hạng PCI cũng góp phần quan trọng trong việc chỉ ra các điểm yếu cho các địa phương cải thiện nhằm thu hút đầu tư tốt hơn.
Theo tôi, có thể lưu ý đến một số điểm lớn sau:
Đầu tiên, mấu chốt là phải có môi trường kinh doanh thật sự tốt bởi môi trường kinh doanh càng “đàng hoàng” sẽ tạo ra sức hút các nhà đầu tư tốt bởi họ không chỉ cần ưu đãi mà họ đánh giá các yếu tố về thể chế công khai, minh bạch và tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư của chính quyền để ra quyết định đầu tư.
Thứ hai là cần có tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch phát triển, đặc biệt phải nhấn mạnh tầm nhìn “hiện đại hóa” trong định hướng “chuyển dịch cơ cấu theo đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Các địa phương phải chứng minh được phương án phát triển của mình là có triển vọng, quy hoạch phát triển phải thể hiện tầm nhìn, có tính lâu dài, nhà đầu tư tốt sẽ nhìn vào đó, khi thấy trong bản quy hoạch hé lộ một tương lai sáng sủa, họ sẽ có lòng tin để đầu tư.
Có một thực tế là hiện nay trong quy hoạch phát triển, tỉnh nào cũng chung chung và khá giống nhau, quy hoạch là phải để nhà đầu tư thấy được rằng tôi có tầm nhìn, tôi có bộ giải pháp, có năng lực đột phá, tôi đã và sẽ chuẩn bị các điều kiện như thế nào thì chắc chắn sẽ thuyết phục được nhà đầu lớn và các địa phương cũng hoàn toàn có thể đặt điều kiện cho nhà đầu tư.
Thứ ba, nguồn nhân lực cũng là vấn đề lớn, các địa phương cần có chiến lược phát triển nhân lực khôn ngoan để đào tạo được đội ngũ nhân lực có trình độ. Các địa phương nên chủ động đóng vai trung gian xúc tiến cam kết giữa nhà đầu tư và lao động về việc sau khi đào tạo sẽ được nhận vào làm việc.