Thu hút FDI Hàn Quốc: Sóng mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng
09:34:51 | 24/4/2018
Hiện Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam. Song, FDI Hàn Quốc vào Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo đó, đang có một làn sóng mới của nhà đầu tư Hàn Quốc vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam.
59 tỷ USD vốn đăng ký
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thu hút được 319,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Trong đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 59 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam.
Riêng 3 tháng đầu năm 2018, Việt Nam thu hút được 5,8 tỷ USD vốn FDI, trong đó, Hàn Quốc đã đầu tư 1,84 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn. Với kết quả này, Hàn Quốc dẫn đầu trong tổng số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong quý I/2018.
Không chỉ dẫn đầu trong đầu tư vào Việt Nam, rất nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc chọn Việt Nam là điểm dừng chân của mình như Samsung, LG, Lotte, Hyosung, Doosan...
Điển hình trong số đó phải kể đến Tập đoàn điện tử Samsung. Đặt chân đến thị trường Việt Nam vào năm 1994, sau hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện Samsung đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với một loạt các nhà máy sản xuất điện thoại và linh kiện điện tử đặt tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và trung tâm R&D đặt tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Hiện tổng vốn đầu tư tập đoàn này đổ vào thị trường Việt Nam đã lên tới trên 10 tỷ USD.
GS- TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng, các dự án của Samsung tại Việt Nam giải ngân rất nhanh và hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Dự kiến đến năm 2020, Samsung sẽ đầu tư khoảng 17 tỷ USD vào Việt Nam.
Cùng với Samsung, Tập đoàn LG cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam. Có mặt tại Việt Nam vào năm 1995, sau đó, LG liên tục mở rộng vốn đầu tư. Hiện tập đoàn này đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD tại Việt Nam. Gần đây nhất, tập đoàn này cũng tăng vốn 501 triệu USD cho dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng để sản xuất mô đun camera.
Với Tập đoàn Hyosung, hiện đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 tỷ USD, ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cho biết, sẽ nâng con số đầu tư tại Việt Nam lên 6 tỷ USD vào năm 2020.
Thêm cơ hội bứt phá
Các chuyên gia kinh tế dự báo, sắp tới sẽ có một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Theo đó, bên cạnh những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đang có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Hyusung,… sẽ có thêm những dự án của tập đoàn, các quỹ đầu tư hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Phát biểu tại hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội, ông JongKu Choi - Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc - cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện “Chính sách tân phương Nam”. Với chính sách này, Hàn Quốc rất coi trọng hợp tác với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hưởng ứng chính sách này, Ủy ban Dịch vụ tài chính (UBDVTC) Hàn Quốc đang thúc đẩy hợp tác với khu vực ASEAN trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, để tạo khung khổ pháp lý cho hợp tác trong lĩnh tài chính - ngân hàng với Việt Nam, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Lê Minh Hưng và ông JongKu Choi - Chủ tịch UBDVTC Hàn Quốc đã thực hiện lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới tài chính giữa hai đơn vị. Các chuyên gia tài chính cho rằng, bản hợp tác này sẽ mở ra cơ hội lớn cho dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam.
Trên thực tế, hiện tại đã có 10 ngân hàng lớn của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam, trong đó Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) là một trong những ngân hàng nước ngoài phát triển mạnh nhất tại Việt Nam.
Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam đang có sức hút lớn đối với nhà đầu tư Hàn Quốc. Nguyên nhân là bởi, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá khá cao và ổn định. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Quý I/2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,38%, tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Với diễn biến tình hình quý I/2018, các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 6,7%.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cũng được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá cao, năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 18%. Năm 2018, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17%.
Ngoài những yếu tố trên, ông JongKu Choi cho rằng, hiện có 150 ngàn người Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư Hàn Quốc lựa chọn Việt Nam làm điểm dừng chân trong thời gian tới.
Số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh mẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường tài chính, ngân hàng của Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.