Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), trong 10 tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung cũng như số lượng giao dịch. Đặc biệt, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM thì dấu hiệu giảm rất rõ nét.
Báo cáo của HoREA cho thấy, liên tục trong vòng 3 quý đầu năm 2018, thị trường BĐS ở nhiều phân khúc đi xuống rõ rệt, các giao dịch khá trầm lắng khiến thị trường trở nên ảm đạm, sự lệch pha cung cầu ở nhiều phân khúc BĐS cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư và chuyên gia cảm thấy lo lắng về tương lai của thị trường này.
Theo HoREA, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu chững lại từ quý I năm 2018, tình trạng này tiếp tục duy trì ở những quý tiếp theo, đặc biệt là ở phân khúc BĐS cao cấp. Tình trạng cung lớn hơn cầu đã thể hiện khá rõ nét trong năm 2018 ở phân khúc này. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, những tháng còn lại của năm 2018 sẽ không xảy ra tình trạng “bong bóng” BĐS. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn mà cần phải giải quyết sớm.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, nguồn cung sản phẩm nhà ở trong tổng số 65 dự án được tung ra thị trường là 22.684 căn hộ và số lượng nhà thấp tầng là 1.075 căn, với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. Chia theo các phân khúc thì có 7.444 căn thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 31,3%. Phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%. Phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%.
Nhớ lại thời điểm năm 2014- 2015 khi thị trường BĐS cao cấp còn khá sôi động, khi đó, nhiều luật mới được ban hành, lãi suất ngân hàng thấp, ngân hàng nào cũng đẩy mạnh cho vay, các hiệp định TPP được ký kết. Nhiều người đã kỳ vọng xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam sẽ là đòn bẩy để phân khúc BĐS cao cấp phát triển. Đến thời điểm này, chỉ riêng thị trường BĐS TP HCM, những dự án BĐS hạng sang ở các quận trung tâm đang cạnh tranh khốc liệt với các dự án tại quận 7. Và xu hướng giảm giá, giành dật thị trường bắt đầu được thổi lên.
HoREA cho biết, tình trạng quá thiếu mô hình căn hộ thương mại giá rẻ, dự án nhà ở xã hội và đặc biệt là những căn hộ cho thuê với giá rẻ dành cho những người có thu nhập thấp hoặc công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, đây là điều tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn với xã hội. Dù thị trường BĐS được dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, xét về tổng thể, nhưng thực tế cho thấy đã có biểu hiện thừa cung ở dùng BĐS cao cấp, trong khi đó lại vẫn thiếu ở dòng BĐS bình dân, nhà ở thương mại giá thấp.
Đánh giá tổng quan về tình hình chung của thị trường, báo cáo của HoREA cho biết, 10 tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch, riêng Hà Nội và TP HCM có dấu hiệu sụt giảm rõ ràng nhất.
Theo đó, tại thị trường Tp HCM, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở từ 65 dự án là 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), tổng giá trị vốn huy động đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%; phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%.
Bên cạnh đó, HoREA cũng chỉ ra 7 điểm nghẽn của thị trường BĐS bao gồm: Việc Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng khó khăn; cách tính tiền sử dụng đất; điều kiện để chuyển nhượng dự án BĐS; chưa có quy định về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT); tín dụng cho BĐS và thủ tục hành chính.
Mặc dù thị trường BĐS trầm lắng và xuất hiện sự lệch pha cung – cầu nhưng theo quan điểm của HoREA thì hiện tượng bong bóng BĐS vẫn sẽ không xảy ra. Hiệp hội BĐS Tp HCM cũng cho biết, sắp tới cơ quan chức năng sẽ siết chặt hơn vấn đề cấp phép xây dựng các dự án căn hộ cao cấp vì Tp HCM đang nghiên cứu vào không cấp phép thêm bất cứ dự án chung cư nào từ nay đến hết năm 2020.
Lương Tuấn