Công ty cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID) - chủ đầu tưKhu công nghiệp (KCN) Khai Quang, một trong những KCN đầu tiên đã gắn bó với sự phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc từ những ngày đầu còn sơ khai. 15 năm qua, bằng tinh thần trách nhiệm và sự đầu tư bài bản, VPID đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và luôn đồng hành với các nhà đầu tư cùng thúc đẩy công nghiệp Vĩnh Phúc vươn lên đứng trong Top đầu của cả nước. Ông Lê Tùng Sơn - Tổng giám đốc VPID chia sẻ với Tạp chí Vietnam Business Forum xung quanh những thành tựu và nỗ lực này.
Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật về tình hình hoạt động của VPID trong thời gian qua và mục tiêu, định hướng trong thời gian tới?
KCN Khai Quang có quy mô 262 ha được hình thành, phát triển trên cơ sở cụm công nghiệp Khai Quang trước đây, hiện đã thu hút trên 70 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang hoạt động. Với tỷ lệ lấp đầy đạt 91,6%, Khai Quang được đánh giá là mô hình đầu tư hiệu quả, một trong những lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư khi đến Vĩnh Phúc.Có được kết quả này nhờ Khai Quang nằm ngay tại thành phố Vĩnh Yên, có hệ thống giao thông và dịch vụ xã hội thuận tiện cho cả DN và người lao động - đây chính là thế mạnh mà không nhiều KCN khác có được. Trong quá trình hoạt động,VPID cũng có những chính sách riêng để thu hút nhà đầu tư như: Hỗ trợ làm thủ tục thành lập DN, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép thi công xây dựng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Ban lãnh đạo Công ty (Tổng giám đốc Lê Tùng Sơn - người thứ 4 từ bên phải, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đệ - người thứ 2 từ bên phải,
Phó Tổng giám đốc Phạm Trung Kiên kiêm Giám đốc Công ty VPID Hà Nam – người đầu tiên bên trái)
HiệnVPID đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như:Phối hợp với các công ty tư vấn xúc tiến đầu tư, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài trong và ngoài tỉnh để thu hút doanh nghiệp; cung cấp, kết nối thông tin đối với DN cùng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; giới thiệu các vị trí đất còn trống với DN có nhu cầu mở rộng; phối hợp với DN trong việc hoàn thiện các thủ tục về mặt đất đai,…nhằm tiếp tục lấp đầy và đưa KCN Khai Quang hoạt động hiệu quả.
Ông có nhìn nhận gì về cơ hội, thách thức của VPID trong giai đoạn hiện nay?
Hiện nhu cầu đầu tư của các DN vào tỉnh Vĩnh Phúc rất lớn và các DN trong KCN Khai Quang muốn mở rộng sản xuất còn nhiều nên tiếp tục mở ra cơ hội lớn đối với công ty. Song bên cạnh đó cũng có những thách thức do quỹ đất công nghiệp không còn nhiều, các vị trí còn lại chưa đáp ứng được nhu cầu cần thuê với diện tích của nhà đầu tư.
Nhằm khắc phục điều này, VPID đã xin chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thay đổi quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng của DN. VPID cũng giới thiệu các doanh nghiệp đến các KCN lân cận trong địa bàn tỉnh như: KCN Bình Xuyên 2, KCN Bá Thiện I và II,… và cả KCN Châu Sơn tại tỉnh Hà Nam do VPID làm chủ đầu tư. VPID còn chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư KCN mới như KCN Lập Thạch (Vĩnh Phúc), KCN Phù Ninh (Phú Thọ)… để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
VPID được đánh giá là nhà đầu tư hạ tầng KCN bài bản, nhất là hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tính bền vững môi trường sinh thái, vậy xin ông cho biết cụ thể lĩnh về vấn đề này?
Khởi đầu từ một cụm công nghiệp nên việc bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu thành lập. Song ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt quy hoạch KCN Khai Quang, VPID đã bắt tay đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải, gồm 02 modul với công suất 1.800m3/ngày đêm và 4.000m3/ngày đêm. Hiện nhà máy đang vận hành 90% công suất (5.200m3/ngày đêm).VPID cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm 01 modul với công suất 4.000m3/ngày đêm và hồ ứng cứu sự cố nhằm phục vụ cho các DN tăng quy mô sản xuất và một số DN mới thuê đất. Việc xây dựng modul 3 đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và sẽ triển khai ngay trong năm 2019.
Xử lý nước thải tập trung là bài toán khó đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN bởi có rất nhiều nguồn nước thải từ các DN khác nhau; tính chất nước thải mỗi DN cũng khác nhau và hiện ý thức của DN trong việc xử lý sơ bộ trước khi xả thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung còn chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên, VPID đã làm việc với các DN ,cơ quan quản lý để đi đến thống nhất: Các DN bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải sơ bộ đạt tiêu chuẩn cho phép theo như hợp đồng xử lý nước thải đã ký. Đến tháng 01/2019 có trên 90% DN trong KCN đã xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải.Việc thống nhất mỗi DN hoặc mỗi nhà xưởng chỉ có 01 vị trí xả thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời phân tích, giám sát chất lượng mẫu nước thải đột xuất và định kỳ.VPID còn thành lập tổ giám sát môi trường thực hiện giám sát chất lượng nước thải của DN định kỳ01 tháng/ lần hoặc đột xuất khi phát hiện sự cố, xả thải nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định và hỗ trợ các DN xử lý, khắc phục.
Ngoài việc kiểm soát nước thải đầu vào, VPID đã có những biện pháp kiểm soát chất lượng nước thải đầu ra toàn bộ KCN. Nhà máy được vận hành 02 ca liên tục trong ngày, đều do cán bộ nhà máy có trên 10 kinh nghiệm. Hàng ngày, phòng hóa nghiệm sẽ kiểm tra chất lượng nước thải đầu vào, đầu ra của nhà máy, đồng thời có những biện pháp kịp thời xử lý khi chất lượng nước thải không đạt theo tiêu chuẩn quy định như: Điều chỉnh hóa chất, vận hành hệ thống thiết bị…phù hợp.
VPID còn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật như:Lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.VPID là một trong những đơn vị thực hiện sớm nhất trên địa bàn tỉnh lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải sau xử lý theo quy định tại Thông tư 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường.
Một vài nhận định của ông về môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc?
Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tỉnh có hệ thống giao thông được quy hoạch, phát triển đảm bảo kết nối liên tỉnh và nội tỉnh thuận lợi. Đây là thế mạnh lớn mà không nhiều địa phương có được. Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm 30-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; các cơ chế chính sách, quy hoạch được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được các cấp, ngành quan tâm vào cuộc tích cực; tỉnh cũng đã triển khai quy hoạch các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, khu nhà ở chuyên gia phục vụ các DN … Đó là những mặt tích cực đang hấp dẫn nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc.
Song bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án; số lượng và chất lượng các dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí còn thấp; chậm triển khai đầu tư phát triển các khu nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia cho người nước ngoài tại các KCN; chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề cao vừa thiếu vừa chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư dẫn đến một số lĩnh vực đầu tư sử dụng nhiều lao động đang gặp khó khăn trong tuyển dụng. Nếu sớm tháo gỡ, khắc phục được những vấn đề trên, chắc chắn Vĩnh Phúc sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư lớn trong, ngoài nước hơn nữa.