Quan Sơn: Của để dành xứ Thanh

14:08:13 | 4/5/2010

Mười hai năm tách khỏi Quan Hóa, phố núi không còn cảnh nhà tranh vách nứa với vài bóng điện trong màn sương chiều. Miền quê xứ Thanh đẹp bởi nét riêng nơi con sông Lò rời ra khỏi Hủa Phăn (Lào) mà chảy về Việt Nam.

Rì rầm Na Mèo

Từ thị trấn Quan Sơn đi theo quốc lộ 217 chạy thẳng lên về hướng Tây, toàn là đường ruột dê vắt vẻo qua rừng luồng, rừng nguyên sinh, có khi đi cả mười mấy cây số không thấy bóng mặt trời. Mãi đến xế chiều tôi mới tới được Na Mèo. Khu cửa khẩu êm đềm, đối diện bên kia là cửa khẩu Nậm Sôi nước bạn Lào.

Sáng thứ bẩy là chợ phiên, từ bên kia cửa khẩu người dân gùi hàng sang chợ Na Mèo bán, đi lại cứ cần mẫn lặng lẽ. Chợ phiên nơi đây không sặc sỡ thổ cẩm, không có tiếng kèn lá, kèn môi gọi bạn như chợ vùng cao Tây Bắc, cũng không nhộn nhịp tấp nập người bán kẻ mua. Đó là phiên chợ của những thanh âm rì rầm, nơi người Thái, người Mông, người Lào trao đổi mấy thứ vật dụng, đồ thực phẩm cần thiết cho cuộc sống thường nhật. Hàng hóa không nhiều, đây đó vài tấm thổ cẩm, vài thứ đồ chơi trẻ con còn lại toàn là rau xanh hay những thực phẩm từ rừng, từ suốt nhặt nhạnh mà nên.

Mấy anh lính biên phòng bảo: "Chợ Na Mèo đó, nghe rì rầm phải không anh?" Cái rì rầm ấy như ẩn chứa trong đó nỗi niềm của Quan Sơn. Lại nghe kể từ năm 90, cặp chợ cửa khẩu Na Mèo - Nậm Sôi rất nhộn nhịp. Khi đó, xe lớn, xe nhỏ từ dưới xuôi đưa hàng qua bên bạn xuất khẩu, hàng tiêu dùng Thái Lan qua nẻo Hủa Phăn mà về. Rồi người dưới xuôi lên, từ Nghệ An ra, từ Sơn La, Hải Phòng vào buôn bán, tìm kiếm mối hàng. Nhưng năm 1997, suy thoái kinh tế, nước bạn bị ảnh hưởng nặng, hệ quả là đồng kíp mất giá. Kế đó là thủ tục hải quan của bên bạn cũng còn rườm rà nên Na Mèo cứ thưa vắng dần.

Hàng tiêu dùng của Thái Lan không còn về xuôi qua ngả Na Mèo nữa, lý do là bởi hàng trong nước mạnh lên, các hoạt động về nhập khẩu lâm sản do cấp trên quản lý. Anh Nguyễn Quang Dũng, đồn trưởng đồn Biên phòng Na Mèo đồng thời là Trưởng ban cửa khẩu quốc tế tâm sự: "Tiềm năng có đấy chỉ kẹt vốn đầu tư". Và Na Mèo trầm ngâm chờ đợi!

Của để dành

Kiểm lại gia tài của huyện, ông Chủ tịch Lò Đính Múi bảo: "Quan Sơn có 40 ngàn ha rừng nguyên sinh, hang Bó Cúng (bản Chanh, Sơn Thủy) được coi là Phong Nha thứ hai, thác Ma Hao rồi lễ hội Mường Xia chuẩn bị để khai hội. Nhìn sang bên kia cửa khẩu thì Hủa Phăn chính là thủ đô của kháng chiến của nước bạn". Nói rõ hơn một chút về Hủa Phăn, ở đây có hệ thống hang động nơi những lãnh tụ đầu tiên của nước Lào như hoàng thân Xuphanuvong, Cay Xỏn... sống và chiến đấu. Nước bạn đang khởi động những dự án đánh thức núi rừng Hủa Phăn, thị xã Sầm Nưa sẽ được nâng cấp lên thành phố. Những hạ tầng cần thiết cho việc khai thác kinh tế du lịch cũng đang được bạn đầu tư. Có thể thấy Quan Sơn lại càng có thêm lợi thế cho một ngành kinh tế sẽ đồng hành với quá trình xóa nghèo.

Điều cần bây giờ là đầu tư cho Na Mèo. Huyện đã đề nghị tỉnh quy hoạch thị trấn Na Mèo mở hướng phát triển lên phía tây bắc sông Lò, tạo cho khu cửa khẩu một thế đứng mới. Ngay cả hệ thống dịch vụ, lữ hành phục vụ khách du lịch trên địa bàn huyện cũng cần được đầu tư. Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội huyện cũng đã rà soát lại, cái thiếu là vốn đầu tư để đánh thức tiềm năng huyện biên giới Quan Sơn.

Sông Hàn