Công nghệ cao: Tạo chuyển biến nông nghiệp nông thôn

10:25:20 | 5/5/2010

Là thành phố trung tâm của vùng, Cần Thơ phải làm tốt vai trò trung tâm về nông nghiệp cho toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, và việc hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao đang là định hướng phát triển của tỉnh.

Chuyển dịch cơ cấu ngành

Trong những năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế nông thôn của thành phố Cần Thơ đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngành nghề nông thôn. Cơ sở hạ tầng nông thôn đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, đã có 82.571 ha diện tích thủy lợi được khép kín (chiếm 87,7%) diện tích đất canh tác; có 77/85 ( tỷ lệ 90,6%) xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; có 96,8% hộ sử dụng điện sinh hoạt; 79% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 61% số hộ sử dụng nước sạch; 100% xã có trạm y tế, trường tiểu học, nhà trẻ, mẫu giáo, bưu điện văn hóa… Sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa có trọng điểm, thu nhập bình quân/ha/năm tăng ổn định theo hướng cải tiến chất lượng và giá trị hàng hóa, giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm. Xây dựng quy trình thực hành nông nghiệp tốt GAP cho các sản phẩm chủ lực của thành phố (lúa, cá, rau quả). Năng suất lúa bình quân đạt 14 tấn/ha/năm lúa chất lượng cao và đặc sản, năng suất cá tra bình quân 250-300 tấn/ha. Thu nhập bình quân dân cư nông nghiệp tăng từ 3,34 triệu đồng/người (năm 2004) tăng lên 6,48 triệu đồng/người (năm 2008). Đến năm 2008, toàn thành phố có 64 HTX nông nghiệp, tổng số hộ xã viên 1.129 hộ, diện tích 2.083,7 ha (1,81% đất nông nghiệp toàn thành phố).

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Tuy nhiên, để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL và hệ thống chế biến nông thủy sản của thành phố. Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng đang đầu tư xây dựng ba khu nông nghiệp công nghệ cao, hai trạm hỗ trợ nhằm phát triển tập trung cho công tác giống, quy trình sản xuất để tạo nguồn hàng hóa gắn liền với yêu cầu của hệ thống chế biến nông thủy sản của thành phố phục vụ mục tiêu xuất khẩu bền vững. Theo đó, khu trung tâm đặt tại Trung tâm giống nông nghiệp (huyện Thới Lai) có nhiệm vụ điều phối hoạt động của mạng lưới nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới để cải tạo, sản xuất, nhân giống (tinh, chuẩn). Hai khu phụ trợ đặt tại Nông trường Sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ sẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống đại trà, quy trình canh tác, nuôi trồng, tồn trữ, chế biến nông sản; phối hợp với khu trung tâm thực hiện ứng dụng sản xuất thử, triển lãm, dịch vụ, thương mại. Từ nay đến năm 2013, 3 khu trên sẽ thực hiện 12 dự án nhân giống các loại cây con, phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, mở rộng sản xuất rau an toàn; đào tạo nhân lực... Các khu này cũng sẽ hình thành trung tâm giống vật nuôi để nhân giống gia súc gia cầm, thuỷ sản nước ngọt…

Thanh Thảo