15:55:34 | 5/5/2010
Ông Đoàn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Tài chính Thái Bình cho biết: “Ngành đang có nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện điều phối, kết hợp các nguồn tài chính thành một thể thống nhất, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.”
Thái Bình hôm nay không chỉ có bờ xôi ruộng mật mà đang từng bước chuyển mình với những khu công nghiệp tập trung, những đô thị nhộn nhịp. Để có được những đổi thay đó, mỗi cán bộ, mỗi người dân Thái Bình bằng những cách nghĩ cách làm cụ thể đang quyết tâm tạo bước đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế, đưa quê hương vươn tới giàu mạnh. Trong đó, công tác tài chính, ngân sách được xác định là nền tảng quan trọng để Thái Bình huy động tối đa các nguồn lực, tạo thế tiến mạnh, nhanh và bền vững.
Kết thúc năm 2008, Thái Bình đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội, như GDP đạt 7.132 tỷ đồng (tăng 10,5%). Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn. Để có được thành quả đó, phải kể tới vai trò của tài chính ngân sách của tỉnh Thái Bình, bởi tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội vẫn chiếm hơn 40% GDP của tỉnh mà nguồn vốn ngân sách là rất quan trọng. Nhằm duy trì các hoạt động tài chính ngân sách, ngành tài chính Thái Bình chú trọng làm tốt hai công tác chính là thu và chi, góp phần phục vụ mục tiêu lâu dài về huy động các nguồn lực cho phát triển theo hướng hiệu quả.
Đối với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Thái Bình đã triển khai và tổ chức các luật thuế, Pháp lệnh thuế trên địa bàn đảm bảo thu đúng, thu đủ và nộp đầy đủ, kịp thời ngân sách nhà nước. Trong đó, đáng chú ý, việc thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân tuân thủ theo quy định của pháp luật; đồng thời bước đầu công tác thu các loại phí đi vào nề nếp, thống nhất được mức thu… Nhờ đó, tính công bằng, hiệu quả được đảm bảo, khiến người nộp phí tin tưởng, giữ vững ổn định chính trị xã hội. Không những thế, Thái Bình cũng đã thực hiện tốt chính sách miễn giảm thuế nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các biện pháp quản lý đồng bộ, chặt chẽ các nguồn thu, chống trốn thuế và gian lận thuế đã được áp dụng và phát huy mạnh mẽ như: quản lý sử dụng hóa đơn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hạn chế nợ đọng thuế… Tất cả các biện pháp đều đã cùng hỗ trợ, động viên khuyến khích các cơ sở kinh doanh khắc phục khó khăn, giữ vững và phát triển sản xuất. Chính vì vậy, thu ngân sách trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng khá, năm 2008, lần đầu tiên thu nội địa đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Công tác chi ngân sách được thực hiện theo hướng tiết kiệm chống lãng phí, hạn chế các dự án kém hiệu quả, góp sức cùng cả nước chống lạm phát, nhưng vẫn đảm bảo tập trung cho các lĩnh vực đầu tư thiết thực, hiệu quả. Thực vậy, chi ngân sách của Thái Bình đã bước đầu đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển, thực hiện 5 trọng tâm cần tập trung tạo bước đột phá tăng trưởng nền kinh tế. Đồng thời, đảm bảo các chính sách chế độ của nhà nước về duy trì sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, trợ cấp xã hội… Đáng chú ý, cơ cấu chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên được thực hiện tích cực, chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng chi ngân sách địa phương. Nếu như năm 2006, chi đầu tư chiếm tỷ trọng 33,9% thì đến năm 2008 ước thực hiện chiếm 42,9% tổng chi ngân sách địa phương, về số tuyệt đối tăng gấp 2 lần (năm 2006 là 719 tỷ đồng, năm 2008 là 1543 tỷ đồng).
PV
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI