Khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển năng động

10:55:19 | 10/10/2019

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang được khẳng định, không chỉ bằng câu chữ trong các nghị quyết. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xây dựng những chủ trương, bộ luật, nghị định, quy định… với  nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam định hình, phát triển và hội nhập.

Trong chu kỳ 15 năm, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có quyết định về Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004), cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt đã có bước phát triển không ngừng, không chỉ bởi nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân mà còn nhờ những chủ trương, chính sách cởi mở, thông thoáng, sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của cộng đồng về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu như tính đến cuối năm 2004, trên địa bàn cả nước có 91.755 doanh nghiệp đang hoạt động thì đến nay, con số này đã là trên 700.000.

Những đột phá từ cơ chế, chính sách

Doanh nghiệp là khu vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Luật Công ty 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân 1990 là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc thành lập và hoạt động của các chủ thể kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Cho đến khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi 2005 và sửa đổi năm 2014) là những cuộc đột phá sâu sắc và là sự mong mỏi, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp sau cuộc đột phá thể chế của Luật Doanh nghiệp năm 1999.

Hai luật mới này được xây dựng với tinh thần cải cách mạnh mẽ, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặt yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, công khai thông tin, bảo vệ cổ đông… đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp, tạo một làn sóng thành lập doanh nghiệp nửa cuối năm 2015 và duy trì đà tăng cho đến nay.

Sau một năm Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, Việt Nam đã có thêm gần 106.000 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký đạt 767.970 tỉ đồng, tăng 27,8% về số doanh nghiệp và 42,4% về số vốn so với cùng kỳ năm trước đó. Về đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cùng thời gian trên đã có 1.660 doanh nghiệp FDI được thành lập với tổng số vốn 62.205 tỉ đồng, bình quân 37,5 tỉ đồng mỗi doanh nghiệp.


Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Cúp năng suất” thể hiện sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững

Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XII đã ban hành 02 Nghị quyết về doanh nghiệp: Nghị quyết 10-NQ/TW 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết 12/NQ/TW 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đã ban hành các chính sách, Nghị quyết nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả khu vực doanh nghiệp như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ (nay là các Nghị quyết số 02/NQ-CP hằng năm của Chính phủ) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020. Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.

Điểm tích cực trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW 2017 là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng… góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động, hiện có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (starup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.

Hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cả nước có một triệu doanh nghiệp hoạt động, trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành và các địa phương, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cả nước và các địa phương. Tại thời điểm 31/12/2018 số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước đã đạt tới con số 714.755 doanh nghiệp, đặc biệt số lượng doanh nghiệp thành lập mới cả nước đã tăng nhanh trong thời gian qua. Ba năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều trên 100.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay (năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp; năm 2017 có 126.859 doanh nghiệp và năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp) – theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Vai trò đã được khẳng định, tuy nhiên, với các doanh nghiệp Việt Nam, một môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng và thuận tiện vẫn là điều mong mỏi.

Trước thực tế đó,  ngày 16/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Mục tiêu của Nghị quyết 35 là xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Nghị quyết 35 tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng. Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.

Với sự vào cuộc chủ động và tích cực của các bộ ngành, việc triển khai cơ chế chính sách tại Nghị quyết số 35/NQ-CP đã thực sự mang lại "luồng gió mới" trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết như: Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra; Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Mục tiêu của Nghị quyết 19 là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc…

Dưới những tác động tích cực của 2 Nghị quyết trên, ngày 01/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. 

Nghị quyết 02/CP được ban hành nhằm mục tiêu tổng quát nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng như giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đồng thời, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4 và mục tiêu cụ thể là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Nghị quyết số 02/NQ-CP đưa ra 71 mục tiêu cụ thể và được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến tháng 9/2019, nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02 và 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Dấu ấn được khẳng định đầu tiên đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam chính là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ Chính trị khẳng định: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Bộ Tài chính đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các bộ, ngành, trong đó, dự kiến bỏ quy định thu sáu khoản phí và bốn khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và hai khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ năm đến 25% so mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn.

Ở cấp địa phương, tính đến ngày 20/6/2019, đã có 50 trong 63 địa phương đã và đang xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh/thành phố. Trong đó, một số địa phương đã phê duyệt Đề án hỗ trợ DN khởi nghiệp như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh…

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Mục tiêu đạt một triệu DN hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ cho DNNVV. Nghị quyết 02 yêu cầu các bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, nhưng đến nay mới chỉ có hai bộ là Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch thực hiện yêu cầu này.

Theo kết quả rà soát độc lập của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn còn nhiều dư địa để các bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh.