10:05:47 | 22/10/2019
Leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến hai cường quốc mà còn tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới. Việt Nam là nước vốn có quan hệ chặt chẽ về thương mại, đầu tư với cả hai quốc gia này và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên sẽ có sự liên đới lớn về kinh tế. Trong đó, BĐS là ngành được coi là cấu hình nền của nhiều ngành kinh tế khác cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
BĐS công nghiệp đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư
Theo các chuyên gia kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ mang đến nhiều cơ hội cho thị trường BĐS Việt Nam do dòng vốn từ nhiều nước bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc sẽ “chảy” nhiều hơn về Việt Nam trong thời gian tới. Trên thị trường đầu tư gián tiếp là chứng khoán,Việt Nam vẫn đang được đánh giá tốt hơn so với các thị trường khác trong năm vừa qua nên khi các nhà đầu tư quyết định dịch chuyển dòng vốn, họ sẽ chọn thị trường vốn gián tiếp là chứng khoán Việt Nam. Trong dòng vốn chứng khoán đó, một phần không nhỏ là đầu tư vào các doanh nghiệp BĐS tạo ra các nhu cầu lớn ở các phân khúc BĐS.
Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo diễn biến thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và chỉ ra 3 chiến lược phổ biến các nhà đầu tư rót vốn vào thị trường này. Theo đó, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành một trong những điểm sáng công nghiệp của khu vực Đông Nam Á, từ một thị trường chỉ có 335 ha đất được dành riêng cho hoạt động sản xuất công nghiệp năm 1986 đến năm 2018 con số này đạt hơn 80.000 ha. Sự tăng trưởng ngoạn mục cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đã góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi với các nhà đầu tư.
Đơn vị này cũng nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung gần đây đã khiến các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi bởi các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn và nguồn lao động dồi dào.
Cụ thể theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nửa đầu năm 2019, ngành công nghiệp đón nhận 1.723 dự án FDI mới đăng ký với tổng số vốn đầu tư 7,41 tỷ USD. Nguồn vốn này chủ yếu đến từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản,…mang lại một làn gió mới cho thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, BĐS công nghiệp miền Bắc là ngành chịu biến động lớn nhất từ cuộc chiến tranh thương mại này vì vị trí gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng. Một số tỉnh thành miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh,…đã trở thành điểm dừng chân của làn sóng dịch chuyển. Từ làn sóng này kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở của thương gia, doanh nhân cũng tăng theo. Do đó, không chỉ BĐS công nghiệp được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại mà cả BĐS nhà ở quy mô lớn, tiện ích hơn cũng sẽ “tăng nhiệt” trong thời gian tới và xu hướng trở thành sản phẩm chủ đạo của thị trường.
Ở phía Nam, quỹ Warburg Pincus (Mỹ) và nhà phát triển BĐS công nghiệp Becamex IDC tại Bình Dương đã cho ra mắt liên doanh Công ty cổ phần Phát triển BW Industrial. Với hơn 200 ha dự án đang được phát triển, BW Industrial hiện là nhà phát triển dịch vụ cho thuê công nghiệp và hậu cần lớn nhất tại Việt Nam. Nhà đầu tư Singapore Boustead thì đang phát triển nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo nhu cầu tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Còn đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (Hawa) thì cho rằng, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước sang Việt Nam trước hết BĐS công nghiệp sẽ nóng lên. Trong vòng 1 năm trở lại đây giá BĐS công nghiệp tăng mạnh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác, trong đó có ngành gỗ vì ngành nghề này thường sử dụng mặt bằng sản xuất lớn.
Cơ hội và thách thức với hàng loạt phân khúc khác
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến mới theo chiều hướng leo thang không chỉ làm gia tăng sự căng thẳng giữa hai nước mà còn đẩy nền kinh tế thế giới vào trạng thái bất ổn. Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam, việc lún sâu vào cuộc chiến sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Khi đó, nguồn khách du lịch đến Việt Nam sẽ có xu hướng giảm bởi theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2018, khách Trung Quốc chiếm 1/3 trong số gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Du lịch và BĐS du lịch Việt Nam đang có một nguồn thu không nhỏ từ đất nước tỷ dân này nên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng, từ đó gây ảnh hưởng đến các sản phẩm xa xỉ như du lịch và BĐS du lịch. Trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư nước ngoài vào BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế mạnh của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản do đó cuộc chiến tranh thương mại này có thể khiến du lịch và thị trường BĐS du lịch bị ảnh hưởng nhất định về nguồn khách và dòng vốn đầu tư.
Một số nhà đầu tư khác lại tin rằng thị trường sẽ có sự phân bố lại, không chỉ phát triển sôi nổi ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà sẽ lan rộng ra các thành phố vệ tinh, khu vực lân cận. BĐS nhà ở, phân khúc cao cấp dành cho khách hàng là người nước ngoài đến phân khúc trung cấp cho nhân viên văn phòng, giá rẻ cho công nhân, người lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp sẽ được đầu tư mạnh hơn.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng nhìn nhận thị trường đang đứng trước thách thức rất lớn do giá đất ngày càng tăng cao. Điều này khiến việc phát triển nguồn cung ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn và gặp một số rủi ro. Vì thế, tận dụng thời cơ và cơ hội, lựa chọn các dự án pháp lý an toàn, rõ ràng là phương pháp tối ưu dành cho các nhà đầu tư.
Với xu hướng chuyển hướng thương mại nói trên không chỉ các sản phẩm BĐS nhà ở, mà các sản phẩm BĐS hỗ trợ sản xuất kinh doanh như khu công nghiệp, logictics, hạ tầng, văn phòng cũng có cơ hội phát triển.
Lương Tuấn
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI