Thúc đẩy hợp tác song phương giữa VN và Ucraina

16:15:27 | 31/3/2011

Nhân chuyến thăm chính thức VN của Tổng thống Ucaina Victor Yanukovych, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các Bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ucraina và Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Ucraina. Diễn đàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi, tạo cơ hội hợp tác cũng như tìm hiểu thuận lợi và những khó khăn giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Các DN Ucraina sang VN lần này chủ yếu là các doanh nghiệp và những nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực: hoá dầu, máy móc, thiết bị, giao thông vận tải, đóng tàu, tài chính, ngân hàng, y tế, nông sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, thương mại tổng hợp…

Sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, tìm ra những cách làm ăn mới, có hiệu quả trogn thời gian tới. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng khẳng định, VN luôn hoanh nghênh và chào đón các nhà đầu tư Ucraina đến hợp tác đầu tư để củng cố thêm truyền thống hữu nghị lâu đời của hai nước, mở rộng và làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Chủ tịch nước cho biết thêm, Việt Nam sẽ là cửa ngõ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Ukraine có thể tiếp cận với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Tổng thống Ukraine, Victor Yanukovych cho biết, VN là một trong những đối tác quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á đối với Ucraina và có nhiều tiềm năng hợp tác rất lớn. Trong tương lai, cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ bổ sung cho nhau những tiềm năng này để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng thống Ukraine cũng hy vọng trong thời gian tới, kim ngạch thương mại giữa VN và Ucraina sẽ được phát triển hơn nữa và gia tăng nhu cầu của hai bên. Tuy nhiên, theo ông Victor Yanukovych, hai nước cần chú trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp như đóng tàu, giao thông vận tải, nông nghiệp và mở thêm đường bay giữa 2 nước...

Những cơ hội hợp tác mới

Theo PGS.TS. Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Ucraina đã có những thành tựu đáng kể trong một số lĩnh vực như: hợp tác quân sự, hải quan, thương mại và một số lĩnh vực kinh tế quan trọng khác.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Ucraina và Việt Nam (23/1/1992) đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt được những thành tựu đáng kể. Giai đoạn khởi sắc bắt đầu từ năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 546 triệu USD, tăng gần 4 lần so với năm 2007. Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, thời gian gần đây trao đổi thương mại giữa hai nước có chiều hướng giảm sút, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2009 đạt 447,7 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 129 triệu USD, nhập khẩu đạt 335 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2010 đạt 256 triệu USD. Trong đó xuất khẩu đạt 115,7 triệu USD. Trong năm 2010 nhập khẩu của Ucraina sang Việt Nam đạt 140 triệu USD.

Cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính chất bổ sung cho nhau. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ucraina bao gồm hàng thủy sản, dệt may, hạt tiêu, gạo, hạt điều và các sản phẩm từ chất dẻo. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Ucraina bao gồm lúa mì, máy móc, thiết bị và phụ tùng, sắt thép các loại và sản phẩm từ thép.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, thời gian qua, hợp tác kinh tế - thương mại chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Việt Nam mong muốn tăng hơn nữa kim ngạch xuất khẩu sang Ucraina, nhất là những mặt hàng có thế mạnh như gạo, cà phê, cao su tự nhiên, thủy hải sản, hàng dệt may, đông dược…Ucraina có kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm của mình sang Việt Nam như lúa mỳ, cơ khí, chế tạo máy, động cơ, thiết bị điều khiển, sắt thép...

Về hợp tác đầu tư, tổng vốn đầu tư của Ucraina tại Việt Nam khoảng 23 triệu USD với 3 dự án vào Xí nghiệp liên doanh Bông sen vận tải Biển (19,6 triệu USD), Công ty liên doanh chế tạo, thiết kế, thi công, trạm thủy điện nhỏ (1,2 triệu USD), Xí nghiệp liên doanh chế biến các sản phẩm rau quả xuất khẩu (2,2 triệu USD). Một số doanh nghiệp đầu tư của Ucraina cũng đang hoạt động tại Việt Nam, như “Vicorutech” (sản xuất cao su thiên nhiên), “Lotus” (các dịch vụ cảng); “Tienki” (kinh doanh hoa quả khô nhiệt đới); “Ucrinternergo”, “Elektrotyazhmash” (xây dựng các công trình thủy điện và cung cấp các thiết bị cho công trình thủy điện), “KrAZ” (sản xuất xe tải), “Ucrhidroproekt”.

Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ucraina với tổng vốn 27 triệu USD, phần lớn do công đồng Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực chế chiến thực phẩm (mì ăn liền), bao bì, carton, nhà hàng.

Hợp tác giữa Việt Nam và Ucraina về công nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, thăm dò địa chất và công nghiệp khai khoáng, chế tạo máy, đóng tàu.

Ông Vĩnh cho biết thêm, Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và đang sở hữu nhiều các quặng mỏ. Các doanh nghiệp Ucraina có công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực này (chế biến titan, xử lý các chất thải trong khai thác boxit, hiện đại hóa ngành công nghiệp than, v.v.). Vì vậy, đây là hướng hợp tác rất triển vọng. Bên lề Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Ucraina về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật nhằm tăng cường hợp tác thực hiện các dự án chung Việt Nam và Ucraina đã ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Viện Nghiên cứu địa chất quốc gia Ucraina (UkrGGRI) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Vinacomin. Ngoài ra, hai nước đã đi đến thống nhất trong việc hợp tác tận dụng chất thải (bùn đỏ) trong sản xuất nhôm oxit.

Ngoài ra, theo ông Vĩnh, thời gian gần đây, Việt Nam đang chú trọng phát triển ngành công nghiệp đóng tài và có những thành tựu đáng kể, còn các doanh nghiệp Ucraina cũng có nhiều kinh nghiệm, tiềm năng nên hai bên có thể phát triển quan hệ hợp tác. Ucraina sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam các thiết bị tàu và cảng (tàu cánh ngầm chở khách, các loại tàu tuần tra tốc độ cao, tàu đệm không khí).

Ucraina dự định tham gia vào quá trình hiện đại hóa hệ thống cảng của Việt Nam (xây dựng hệ thống tàu cảng nổi di động và cố định, bãi đỗ xe, bến cảng, ụ tàu và đê chắn sóng từ nguyên vật liệu hỗn hợp).

Ngành công nghiệp năng lượng, thủy điện đang là lĩnh vực đang được doanh nghiệp Ucraina quan tâm vì Việt Nam có nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng từ thời Liên Xô cũ với sự tham gia xây dựng của một số doanh nghiệp Ucraina và hiện nay Ucraina đang tiếp tục hợp tác vào một số dự án thủy điện của Việt Nam như dự án cung cấp tuabin cho nhà máy thủy điện Hương Điền.

Ucraina dự định tham gia vào các dự án xây dựng công trình năng lượng, thủy điện mới, tái kiến thiết cơ cấu và hiện đại hóa các công trình thuộc ngành năng lượng điện tại Việt Nam, bao gồm cung cấp thiết bị năng lượng.

Quỳnh Anh