09:45:37 | 28/6/2021
Mới đây, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang rất phức tạp như lúc này là rất cần thiết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta có chủ trương hỗ trợ với nhiều giải pháp để bảo đảm sản xuất kinh doanh, tinh thần vừa phải chống dịch thành công, vừa phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của đất nước." Ảnh: TTXVN.
Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và rút kinh nghiệm từ đợt hỗ trợ trước.
Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Bộ Chính trị cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về việc này, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, tránh thủ tục phiền hà.
Có thể nói, việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ mới Đấy không chỉ là niềm an ủi lúc khó khăn. Đấy không chỉ là niềm vui giữa khi căng thẳng vì dịch bệnh. Mà đối với người lao động và sử dụng lao động trên cả nước, đây thực sự sẽ là những giải pháp giúp họ vượt qua được những ngày tháng vô cùng gian nan trong đại dịch Covid-19 này.
Gọi những tháng ngày này là “gian nan” là không hề trầm trọng hoá tình hình. Gian nan vì đến mức đã có những người lao động không thể biết nổi ngày mai họ sẽ sống bằng gì. Gian nan vì đến nỗi nhiều người chủ lao động chỉ còn ngồi chờ đến khi doanh nghiệp mình hoàn toàn phá sản mà không biết cách nào thoát ra được.
Thực tế đó cho thấy, một khi vấn đề đời sống và thu nhập của người lao động đã được đích thân Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đặt lên bàn nghị sự, thì có thể hiểu là giữa những ngày chống dịch cam go khốc liệt này, nỗi lo lắng và mối quan tâm tới người lao động đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân ta.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý ở chỗ, thời gian qua, dù việc triển khai gói hỗ trợ liên quan đến chính sách tín dụng, tài khóa như miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, đã triển khai tốt, đem lại tác dụng. Còn với gói chính sách an sinh xã hội và trợ cấp thì triển khai chưa hiệu quả và chúng ta cần rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được hỗ trợ
Trước đó, để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp qua việc cho phép doanh nghiệp phải giảm 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.
Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm chăm lo trực tiếp cho người dân của Đảng và Chính phủ. Chính sách là đúng, vậy nhưng đến khi triển khai trên thực tế, gói hỗ trợ này được thực hiện quá chậm, thủ tục nhiêu khê nên tác dụng rất hạn chế, trong khi gói an sinh xã hội cần làm nhanh nhất, bởi đó là cứu trợ nên không thể để chậm, thời gian kéo dài. lại có nhiều điều không được y mong muốn.
Phải nói rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước khi được đưa ra đã có sự nghiên cứu, tính toán một cách chính sách, tỉ mỉ. Các đối tượng được hưởng chính sách là những đối tượng thực sự có nhu cầu.
Vì vậy, khi triển khai trên thực tế, chính quyền các cấp cần thực hiện một cách đồng bộ, đúng đối tượng và bảo đảm tính dân chủ để chính sách phát huy hiệu quả, giúp người dân được hưởng lợi từ chính sách. Ngược lại, hành động không thực hiện hoặc thực hiện sai lệch chính sách được đưa ra đều rất nguy hiểm, tạo ra những hệ luỵ xã hội tiêu cực.
Tựu trung lại, những chính sách, chủ trương cùng hành động nghĩa cử cao đẹp trong khó khăn, hoạn nạn đã sưởi ấm tình người càng thêm ấm áp và lan tỏa luồng năng lượng tích cực.
Hành động kịp thời của những người đứng đầu đất nước; sự tham gia chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả của ban ngành, chính quyền các cấp cùng sự ủng hộ đồng lòng của nhân dân đã cho thấy sự gắn kết bền chặt nghĩa tình đồng bào ruột thịt trong khó khăn càng đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái làm sáng ngời tấm lòng Việt trong hoạn nạn.
Nguồn: DDDN
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI