Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ấn tượng trong dịch Covid - 19

09:24:44 | 1/7/2021

Mặc dù chịu tác động từ đại dịch COVID-19, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản vẫn 'đạt đỉnh' trong 10 năm trở lại đây, khả năng sẽ xuất khẩu 45 tỉ USD nông sản trong năm nay.

Vượt qua đại dịch

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nửa đầu năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tiếp tục làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật tư, sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh đó, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa giữ đà tăng trưởng.

Về sản xuất lúa, nhờ năng suất tăng khoảng 1,5 tạ/ha, nên sản lượng lúa 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 21,58 triệu tấn (giảm 0,66 triệu tấn), đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.Nhiều địa phương cũng thực hiện chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả với diện tích 48,1 nghìn ha sang trồng các loại rau, quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn và sang mục đích phi nông nghiệp.

Các loại cây rau hàng năm cũng như cây công nghiệp, cây ăn quả đều tăng về diện tích và sản lượng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng diện tích cây lâu năm 3.614,3 nghìn ha, tăng 46,1 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2020; nhóm cây ăn quả đạt 1.132,7 nghìn ha, tăng 35,6 nghìn ha, tăng 3,2%; nhóm cây công nghiệp đạt 2.185,3 nghìn ha, tăng 3,8 nghìn ha, tăng 0,2%...

 

Hầu hết các loại cây ăn quả đều có sản lượng tăng từ 3 - 12% so với cùng kỳ năm 2020, như: xoài 3,31%; thanh long 7,39%; bưởi 10,68%; vải 7,94%. Đồng thời, việc rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) vụ tại vùng ĐBSCL đem lại hiệu quả kinh tế tăng 1,5 - 2 lần so sản xuất chính vụ

Về chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: sản lượng thịt bò đạt 231 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng sữa ước đạt khoảng 561,1 nghìn tấn, tăng 11,2%; sản lượng thịt  gia cầm hơi đạt 932,2 nghìn tấn, tăng 6,1%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 2.002,2 nghìn tấn, tăng 8,1%.

Trong  6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8%. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 2 triệu tấn, tăng 1,4%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4,1%.

Xuất khẩu tăng mạnh

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Việt- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 3,84%; tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 3,82%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%. Đáng chú ý, mặc dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn tăng mạnh, đạt kết quả cao vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đạt trên 24,23 tỷ USD.

Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 41,3% khối lượng và tăng 80% giá trị so với cùng kỳ; xuất khẩu chè tăng 0,1% về lượng và tăng 4,5% về giá trị so với cùng kỳ; xuất khẩu hạt điều tăng 22,2% về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị so với cùng kỳ; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 16,3% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 6,7%, đạt 155 nghìn tấn, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 40,5%, đạt 499 triệu USD.

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD tăng 74,8%; mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD tăng 78,8%; tôm 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%.

Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt.

Đáng chú ý, Mỹ vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 60,6%). Trung Quốc- thị trường xuất khẩu lớn thứ 2- với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 4,75 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu. “Xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 sang thị trường Mỹ tăng gần 60%, con số này dù rất tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Nguyễn Văn Việt lưu ý.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khoảng 21,09 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,14 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặt mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD

Với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong cả năm 2021 sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 khoảng 45 tỷ USD.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid 19 nhận định còn diễn biến phức tạp, thực hiện “mục tiêu kép” phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 45 tỷ USD trong năm nay đây là con số đầy thách thức bởi các thị trường xuất khẩu đang ra tăng các rào cản thương mại, tình trạng thiếu conteiner rỗng, chi phí đầu vào như: logistics, thức ăn chăn nuôi, phân bón… vẫn đang tăng cao.

Ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản- phân tích, dịch Covid 19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến tổng quan khách du lịch quốc của cả nước giảm 97%, nghĩa là chỉ có khoảng 88 nghìn lượt khách du lịch đến Việt Nam, điều này cho thấy việc chi tiêu trong nước bị ảnh hưởng. Việc tiêu thụ nông sản tại các đô thị lớn hiện nay rất khó, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh qua hệ thống siêu thị truyền thống. Việc đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử việc này cũng cần có thời gian để làm quen. Trong khi đó, về thị trường xuất khẩu, trong các năm 2022 - 2023 đó là lộ trình cắt giảm thuế của các Hiệp định thương mại song phương, đa phương mà chúng ta đã ký sẽ hết thời gian ưu đãi thuế quan, lúc đó sẽ phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật, vì vậy cần có giải pháp căn cơ về lâu dài trong xuất khẩu nông sản.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn. Cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng kịp thời nắm bắt thị trường tránh tình trạng ùn ứ nông sản. Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Trao đổi bên lề Hội nghị, ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- cho biết, câu chuyện của quả vải thiều Bắc Giang, Hải Dương là gợi ý định hướng tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Không phải tiêu thụ bao nhiêu tấn vải mà mô hình gì để mang lại giá trị trong tiêu thụ nông sản bền vững. Do đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành sẽ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động, đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung - cầu. Từ thông tin đó, Bộ NN&PTNT sẽ tính toán lại lịch thời vụ để tránh trùng vào thời vụ của quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu nông sản qua. Nếu giải quyết được điều này thì ngành nông nghiệp sẽ làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin đầu cung, khi đó, chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch Covid-19.

Minh Ngọc  (Vietnam Business Forum)