Chống dịch đi đôi với giữ vững động lực của nền kinh tế

09:50:20 | 1/7/2021

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, nửa đầu năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chỉ số của nền kinh tế vẫn có mức số tăng trưởng khả quan. Dù vậy, diễn biến dịch bệnh khó lường cũng như nhiều khó khăn phía trước đòi hỏi giải pháp đồng bộ và phối hợp thật tốt để đạt mục tiêu kép đã đề ra.

Những con số khích lệ

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, tốc độ tăng trưởng quý II/2021 đạt 6,61%, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% tuy chưa cao như mong muốn nhưng là đáng khích lệ nếu so với mặt bằng chung trên thế giới và khu vực.

Dù dịch bệnh ảnh hưởng nhưng khu vực công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

“Qua số liệu trên có thể khẳng định, công nghiệp chế biến chế tạo là động lực, là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần giữ vững đà hồi phục lĩnh vực này”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Cùng với đó, sự hồi phục của nông nghiệp cũng giúp nền kinh tế tăng trưởng cân đối hơn. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản dần hồi phục do nhu cầu nhập khẩu một số loại thuỷ sản như cá tra, tôm... tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại.

Điểm sáng đáng chú ý nữa là trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đạt 93.200 DN, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, điều này cho thấy dù khó khăn nhưng các DN, các chủ đầu tư đang đánh giá cao môi trường sản xuất kinh doanh, cũng như sự đồng hành của Chính phủ, quyết tâm duy trì sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020.  Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng DN, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

Đánh giá chung, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận xét các cân đối vĩ mô của nền kinh tế vẫn ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt khá trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, ước đạt 57,7% dự toán năm, khá cao  nếu so sánh với nhiều kỳ nửa đầu năm thường chỉ đạt dưới 50%.

Có thể nói, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tốc độ tăng trưởng 6 tháng qua vẫn khá cao, cho thấy việc hiện thực hoá quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kiên định thực hiện mục tiêu kép trong năm 2021 đã đạt thành công bước đầu.

Chống dịch đi đôi với giữ vững động lực kinh tế

Nhận định về triển vọng từ nay đến cuối năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, dù đạt kết quả khả quan bước đầu nhưng thời gian tới, nền kinh tế vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...

Theo bà Nguyễn Thị Hương, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm thì các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng mà Chính phủ đã chỉ đạo.

“Thực tế cho thấy, tuy dịch COVID-19 làm nhiều ngành nghề sụt giảm nhưng khó khăn ấy lại trở thành động lực để chúng ta thay đổi phương thức mua-bán truyền thống sang hình thức trực tuyến. Do vậy, để thích ứng nhanh với sự thay đổi, các cơ quan hữu quan cần xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, ví dụ nâng cao nhận thức và kỹ năng tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho nhà sản xuất và người tiêu dùng”, bà Hương đề nghị.

Còn theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, thời gian tới đây, thế giới sẽ có những chuyển biến mới khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU đang hồi phục cùng với việc mở rộng tiêm chủng để từng bước khống chế được dịch COVID-19. Đối với Việt Nam, điều này rất quan trọng vì đây là những thị trường lớn của chúng ta. Do có độ mở cao, nền kinh tế nước ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào tăng trưởng xuất khẩu tới các thị trường đang dần hồi phục này.

Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ DN và người lao động (giãn thuế, giảm tiền thuê đất, miễn 30 loại phí, hỗ trợ công nhân, các đối tượng chịu tác động của dịch bệnh…).

Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 với 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, có nhiệm vụ rất đáng chú ý là tiến tới hình thành ngành công nghiệp sản xuất vaccine bên cạnh việc tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử…

Ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao các trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn và cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chú trọng phòng chống dịch ở các khu công nghiệp, vì đây chính là những “công xưởng” chủ lực của nền kinh tế. Giữ vững được các khu công nghiệp, chúng ta sẽ giữ được một trong những động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế.
 
Nguồn: baochinhphu.vn