Tìm động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới

08:50:13 | 2/7/2021

6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt. Kinh tế tăng 5,64% là mức tăng tương đối khả quan trong bối cảnh diễn biến phức tạp của COVID-19.


Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều khó khăn

Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2021 tiếp đà những kết quả quan trọng, ấn tượng đã đạt được của năm 2020 với kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất kinh doanh đạt được những kết quả khá.

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn những khó khăn, tồn tại.

Đó là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng ngừa, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương; giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay do giá nhập khẩu các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng cao. Giá vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tiếp tục tăng, nhất là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ.

Cùng với đó, hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội tại các địa bàn có sự bùng phát của dịch COVID-19.

Tháng 6/2021 là tháng thứ ba liên tiếp cán cân thương mại nhập siêu với giá trị 1 tỷ USD, con số này đã đẩy cân đối thương mại 6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD; trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 5,86 tỷ USD. Nhập khẩu hàng tiêu dùng trị giá 9,78 tỷ USD, chiếm 6,1% trong tổng trị giá hàng nhập khẩu, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, khiến hàng nội địa khó tiêu thụ hơn, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Cùng với đó, dù chủ trương tiêm chủng vaccine COVID-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều. Điều này làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.


Cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

Đồng bộ các giải pháp

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 khoảng 6% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội, trong 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp; đang xảy ra tại những tỉnh, thành phố là đầu tàu phát triển kinh tế; tại một số tỉnh có nhiều ca lây nhiễm trong khu công nghiệp, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp đang là động lực phát triển kinh tế.

Trước những khó khăn, thách thức này, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Cụ thể là tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm tinh thần "chống dịch như chống giặc", với phương châm "5K + vaccine" và tăng cường ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số trong điều kiện giãn cách xã hội. Thực tế cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 làm nhiều ngành nghề “lao đao”, tuy nhiên lại trở thành động lực để thay đổi phương thức mua-bán truyền thống từ trực tiếp sang trực tuyến.

Để làm được điều đó, các cơ quan hữu quan cần xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao nhận thức tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trước mắt ưu tiên các địa phương chịu ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cùng với đó, các cơ quan hữu quan kiểm soát và bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Đây là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhất là trong điều kiện giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao và Trung Quốc bất ngờ mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thủy sản với số lượng kỷ lục. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp. Đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời… Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công cũng là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo đó, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa và bền vững, tận dụng hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết…

Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê

Nguồn: DDDN