08:22:49 | 14/9/2021
Vốn ngân sách không dồi dào, nguồn tín dụng ngày càng khó khăn, mục tiêu xây dựng gần 4.000 km cao tốc trong 10 năm mà Chính phủ đặt ra cần thêm giải pháp huy động vốn mới. Phương án nào sẽ giả toả “cơn khát vốn” cho các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP)?
Huy động từ nguồn lực xã hội
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, tiến độ xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam trong 10 năm gần đây có bước tiến lớn khi hoàn thành được gần 1.200km, gấp 10 lần so với 10 năm trước đó. Mặc dù vậy, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cả nước sẽ phải hoàn thành thêm gần 4.000 km đường cao tốc, gấp gần 4 lần giai đoạn trước.
Mục tiêu lớn nhưng vốn là vấn đề nan giải trong việc xây dựng đường cao tốc, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc – Nam, giai đoạn 2016 – 2021. Theo kế hoạch ban đầu, có 8 trong 11 dự án thành phần của cao tốc được đầu tư theo hình PPP. Tuy nhiên, do không tìm được nhà đầu tư, 5 trong số 8 dự án thành phần này đã được chuyển sang hình thức đầu tư công. Chỉ còn 3 dự án còn lại thuộc các đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã tìm được nhà đầu tư và thực hiện theo hình thức PPP.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải huy động toàn hệ thống xã hội tham gia vào những dự án đường cao tốc. Để làm được điều đó, cần có những chính sách thu hút doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia theo hình thức PPP, BOT.
“Luật Đầu tư theo phương thức đối tác - công tư (PPP) ra đời là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc huy động vốn toàn xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những công trình giao thông trong thời gian tới”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư một trong ba dự án cao tốc Bắc – Nam cho biết đang gặp những khó khăn về huy động vốn khi ngân hàng siết chặt cho vay. Tổng mức đầu tư của Đèo Cả vào các dự án giao thông hiện trên 60.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn thời gian tới rất lớn, buộc công ty phải tính tới kênh huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Ông Nguyễn Viết Huy – Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) nhận định, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một giải pháp đúng luật và sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức PPP.
Về chính sách, mới đây Nghị định số 28/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được ban hành với nhiều điểm mới trong quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong các dự án PPP.
Theo đó, nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác tính đến thời điểm đàm phán hợp đồng dự án được xác định trên cơ sở cam kết hoặc thoả thuận bằng văn bản giữa bên cho vay, nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.
Tổng số vốn cam kết cung cấp của bên cho vay vốn, nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối thiểu bằng mức vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phải huy động. Trong đó, tổng số vốn vay, bao gồm vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức vay vốn khác (nếu có) không vượt quá tổng số vốn vay theo quy định tại hợp đồng dự án PPP.
Kế hoạch lần đầu phát hành TPDN
Nếu thực hiện thành công phát hành TPDN đợt I vào tháng 9,10/2021, Tập đoàn Đèo Cả sẽ là doanh nghiệp đầu tiên sử dụng kênh huy động vốn này. Dự kiến, Đèo Cả sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp tương đương với 2.700 tỷ đồng để thực hiện một số dự án vừa trúng thầu. Hiện, Đèo Cả đang có kế hoạch triển khai các dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, một dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng khoảng 7.500 tỷ đồng, dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh 12.000 tỷ...
Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nhận định, trong năm 2020 và năm 2021, thị trường TPDN phát triển sôi động, thậm chí còn hơn cả thị trường cổ phiếu và đã đáp ứng tốt nhu cầu khả năng của doanh nghiệp. Vì vậy, ông Thế đánh giá đây là kênh hút vốn đầu tư quan trọng trong tương lai.
“Tôi mong muốn được sớm phát hành TPDN ra công chúng và thậm chí phát hành trái phiếu quốc tế, vì lĩnh vực giao thông cần nguồn vốn vô cùng lớn”, ông Trần Văn Thế đề xuất.
Lãnh đạo Đèo Cả cũng cho biết, mức lãi suất phát hành trái phiếu dự kiến khoảng 12%/năm sẽ được chi trả cho các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu theo từng tháng hoặc từng quý. Mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành sẽ cao hơn mức lãi suất trong phương án tài chính dự án khoảng 1,5%/năm. Nhằm đảm bảo tính khả thi khi huy động vốn từ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh giảm tỷ suất lợi nhuận tại dự án và lấy một phần lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để bù đắp cho phần lãi suất chênh lệch.
Với muc tiêu thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tích cực hợp tác tham gia vào các mối quan hệ đối tác công tư (PPP) nhằm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SD4B), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Quan hệ Đối tác công tư - Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đang triển khai đề án: “Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong mối quan hệ đối tác công tư tại Việt Nam (giai đoạn 2020 -2024)”. Theo đó, đề án hỗ trợ xây dựng khung chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào các chương trình đối tác công tư, đặc biệt các dự án liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời làm tăng hiệu quả vốn đầu tư xã hội. |
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
6/4/2023
Hội trường số 1 tầng 7, VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội
06-08/4/2023
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ