06:47:55 | 27/12/2021
Môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm… Kết quả này có được một phần nhờ sự đóng góp tích cực của VCCI – với vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đã tiếp thu và đưa ra các kiến nghị để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
PCI- Thước đo của cải cách
Một trong những thành công lớn của VCCI trong nhiệm kỳ qua là việc phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tiếp tục thực hiện điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)) liên tục trong 16 năm kể từ năm 2005.
Báo cáo PCI năm 2020 vừa qua cho thấy không chỉ truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về những chuyển động của môi trường kinh doanh trong nước giai đoạn 2016-2020, mà còn định vị sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư và phản ánh kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, loạt báo cáo PCI đã chuyển tải các thông điệp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp tới chính quyền các cấp ở Việt Nam về yêu cầu cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính và tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đã có nhiều chuyển biến tích cực diễn ra ở Việt Nam, từ chỗ ít được để ý và xem trọng, công việc cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại hầu hết các địa phương. Từ chỗ chiếm số lượng ít ỏi, vị thế còn khiêm tốn, hiện nay số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng nhanh chóng, hướng đến con số 1 triệu doanh nghiệp đăng ký chính thức và là khu vực được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích phát triển. Từ chỗ xếp hạng thấp trong các bảng xếp hạng thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được nâng cao, hướng đến mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. PCI đã đóng góp vào hành trình chuyển đổi quan trọng này của Việt Nam.
Tuy nhiên, điều mà PCI tâm đắc nhất trong những năm qua chính là đã trao quyền cho các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, tạo ra được một kênh để chuyển tải đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp lên các cấp có thẩm quyền liên quan và chủ động thúc đẩy thay đổi. Các chính quyền địa phương giờ đã có đầy đủ thông tin, bằng chứng định lượng để nhận diện, hướng các chương trình cải cách của mình đúng trọng tâm, sát yêu cầu của thực tế. Xây dựng, hoạch định chính sách, thực hiện các chương trình cải cách dựa trên bằng chứng, thông tin định lượng đang dần trở thành một thói quen của nhiều cơ quan nhà nước địa phương tại Việt Nam.
Từ PCI, nhiều mô hình cải cách, bài học thành công được tìm ra và đã được nhân rộng ra toàn quốc. Mô hình Café Doanh nhân, một mô hình đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp bán chính thức, bắt đầu tại Đồng Tháp đã hiện diện tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều tra đánh giá DDCI, một phiên bản PCI cấp sở ngành quận huyện, được Quảng Ninh tiên phong thực hiện mạnh mẽ hiện đã nhân rộng ra tại gần 50 tỉnh, thành phố khác. Tất cả đều nhằm lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và giải quyết những vấn đề thực tế đòi hỏi.
Không chỉ xây dựng báo cáo PCI, VCCI cũng xây dựng các báo cáo phân tích, đánh giá gửi riêng các tỉnh, thành phố về môi trường kinh doanh, cũng như phân tích những nét chính PCI của một số địa phương gồm: Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ. VCCI cũng tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn áp dụng Bộ Chỉ số “Đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, Ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI)” cho các tỉnh, thành phố.
Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp
Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ trong thời gian qua. Liên tục trong 8 năm qua, mỗi năm Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020 và 2021). Loạt nghị quyết này tập trung vào những nội dung rất quan trọng như cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước... Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 đặt ra những nguyên tắc và mục tiêu quan trọng cho việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 cũng như các năm tới.
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, trong năm qua, VCCI đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Chương trình Cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam - góc nhìn từ doanh nghiệp”. Đây là một trong những sáng kiến của VCCI nhằm tăng cường tiếng nói, thúc đẩy vai trò chủ động của cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng đến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Báo cáo phản ánh mức độ chuyển biến của môi trường kinh doanh Việt Nam qua cảm nhận của các doanh nghiệp trong năm 2020 và giai đoạn 05 năm qua, đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp cho giai đoạn sắp tới, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, VCCI vẫn tiếp tục triển khai công tác tập hợp, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Tính từ đầu năm đến 30/11/2021, có 158 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước được VCCI tập hợp, phân loại gửi tới các Bộ ngành và địa phương liên quan. Đến nay các cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết, trả lời được gần 50% kiến nghị. Hầu hết nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các kiến nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng… VCCI cũng tiến hành điều tra, khảo sát ý kiến của 600 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về chất lượng trả lời kiến nghị của các bộ ngành, địa phương trong thời gian qua. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 26,4% doanh nghiệp trả lời hài lòng và rất hài lòng; 73,6% doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 48,9% của năm 2020 và 50% của năm 2019. Kết quả khảo sát đã phản ánh đúng thực trạng trong năm 2021, doanh nghiệp gặp phải quá nhiều khó khăn do dịch bệnh đem lại nhưng dường như họ cảm nhận việc hỗ trợ của các bộ, ngành là hết sức chậm chạp; các kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành không được giải quyết kịp thời…
Với tầm nhìn mới “ Doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hưng thịnh” cùng sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, trong thời gian tới, VCCI sẽ có những phương thức, hoạt động phù hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, tổ chức nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh tại Việt Nam.
(Loạt bài Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần VII)
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI