12:52:53 | 28/2/2022
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội bị tác động nặng nề, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên vẫn duy trì ổn định, tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Từ đó cho thấy, “phi nông bất ổn” luôn là chân lý đúng đắn trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Năm 2021, diện tích chè trồng mới và trồng lại của tỉnh ước đạt trên 455 ha, vượt 6% kế hoạch năm
Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Thái Nguyên ước đạt trên 14.600 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt gần 118 triệu đồng/ha, vượt kế hoạch. Toàn tỉnh có thêm 7 xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 53 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá, xếp hạng OCOP trong đó có 07 sản phẩm đủ điều kiện dự thi OCOP 5 sao cấp quốc gia. Nông nghiệp – nông thôn đã đóng góp tích cực vào mức tăng chung cho kinh tế của địa phương.
Để có được những kết quả trên, thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2021, ngay từ đầu năm, việc xây dựng khung thời vụ và chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện triển khai 2 vụ chính là đông – xuân và vụ mùa đã được ngành nông nghiệp tích cực triển khai. Nhờ vậy mà quá trình thâm canh trên cây lúa, cây lương thực đã tránh được những điều kiện bất lợi, thiên tai, sâu bệnh cho tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 461.000 tấn, vượt 6,1% kế hoạch.
Song song với việc đảm bảo an ninh lương thực, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật làm tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích gieo cấy lúa cũng được các địa phương quan tâm triển khai với những mô hình lúa Vietgap, hữu cơ gắn với diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa.
Cùng với việc đảm bảo kế hoạch, các đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng được. Trong năm 2021, tỉnh có hơn 560ha cây ăn quả chủ lực (na, nhãn, bưởi); diện tích chè trồng mới và trồng lại cả năm ước đạt trên 455ha, vượt 6% kế hoạch năm.
Trong khi sản xuất trồng trọt có những thuận lợi thì ngành chăn nuôi của Thái Nguyên lại phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh đem lại. Các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tả lợn Châu Phi lần lượt xảy ra trên đàn vật nuôi. Cùng với đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao trong khi việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Giá bán sản phẩm giảm xuống thấp làm cho người chăn nuôi tiếp tục điêu đứng. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ, động viên người chăn nuôi tăng cường tiêm phòng vắc xin, giám sát, phát hiện dịch bệnh để khoanh vùng, không để dịch lan rộng.
Cùng với đó, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ cũng được chú trọng. Ngành nông nghiệp cũng đang tích cực xây dựng mô hình liên kết chuỗi, đẩy mạnh tái đàn, chăn nuôi trang trại tập trung, xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo và quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ những giải pháp quyết liệt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của Thái Nguyên vẫn đạt gần 157.000 tấn, giá trị sản xuất ngành đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020.
Năm 2021 cũng là năm khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp. Quá trình đó thể hiện qua việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi theo lợi thế từng địa phương, tăng tỷ lệ sử dụng giống mới, ứng dụng quy trình sản xuất thâm canh, VietGap, đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến.
Quá trình đưa khoa học – công nghệ vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm thể hiện rõ nét thông qua việc chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ) cho biết: “Sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử tăng lên rất nhiều, ổn định trong tiêu thụ và cắt giảm các khâu trung gian, giảm chi phí cho nhà sản xuất”.
Ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với các ngành công thương, thông tin và truyền thông cũng như các đơn vị liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Qua đó, giới thiệu các cơ sở đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có tiêu chuẩn Vietgap tham gia chuỗi an toàn thực phẩm, sản phẩm đó lên sàn thương mại điện tử có xuất xứ nguồn gốc đáng tin cậy, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nguồn: Vietnam Business Forum
6/4/2023
Hội trường số 1 tầng 7, VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội
06-08/4/2023
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ