ABBANK tập trung chuyển đổi cho mục tiêu phát triển chiến lược giai đoạn 2021-2025

13:49:35 | 21/4/2022

Ngày 20/04/2022 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội đã thông qua các báo cáo về kết quả hoạt động năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022 của ABBANK, trong đó nhấn mạnh công tác tập trung chuyển đổi nhằm hướng tới hoàn thành các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 – 2025.

Đại hội đã thông qua các chỉ tiêu kinh doanh và kế hoạch hoạt động của ABBANK năm 2022. Theo đó, ABBANK đặt kỳ vọng nâng Tổng tài sản lên đạt mức 138.250 tỷ đồng, Huy động từ khách hàng cá nhân và các tổ chức kinh tế đạt 94.081 tỷ đồng, thực hiện tăng trưởng Dư nợ tín dụng theo đúng phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

ABBANK cũng đặt lợi mục tiêu Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 3.079 tỷ đồng; Thu từ phí dịch vụ đạt 1.482 tỷ đồng; Năng suất lao động bình quân đạt 733 triệu đồng/người/năm (tương đương tăng 44% so với năm 2021) và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức dưới 3% theo quy định của NHNN. Đặc biệt, năm 2022, ABBANK cũng đặt mục tiêu mua lại hết nợ xấu tại VAMC và lên kế hoạch xúc tiến lộ trình chuyển sàn niêm yết.

Nhằm chuẩn bị nền tảng tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, ABBANK đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gần 10.000 tỷ đồng vào tháng 2/2022, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cho việc triển khai thực hiện các sáng kiến chiến lược, đặc biệt là chuyển đổi ngân hàng số. Sắp tới, ABBANK dự kiến triển khai thêm đợt tăng vốn điều lệ mới thông qua việc sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành cổ phiếu theo Chương trình ESOP cho Cán bộ nhân viên. Dự kiến đến hết năm 2022 vốn điều lệ của ABBANK sẽ đạt trên 10.400 tỷ đồng.

Công tác quản trị và vận hành của ABBANK cũng ghi nhận nhiều bước tiến lớn trong thời gian qua với việc đáp ứng song song tiêu chuẩn Basel II/III ở các rủi ro trọng yếu, đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN về quản trị rủi ro, an toàn hoạt động. ABBANK cũng được tổ chức xếp tín nhiệm Moody's công bố đánh giá Xếp hạng tiền gửi dài hạn và Xếp hạng nhà phát hành kỳ quý II&III/2021 của ABBANK ở mức B1, Triển vọng của ABBANK tiếp tục được đánh giá “Ổn định”. Đây là những bước tiến tích cực để ABBANK bước vào giai đoạn tăng tốc với nền tảng hoạt động vững chắc, hiệu quả.

Đầu năm 2022, ABBANK đã có quyết định thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức và các giá trị cốt lõi, định hình lại phương thức hoạt động kinh doanh theo mô hình lấy “Khách hàng là trọng tâm” nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ hơn, phù hợp hơn với định hướng bán lẻ.

Nhiều chương trình cụ thể cũng được ABBANK lên kế hoạch triển khai trong năm 2022, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược như: Thúc đẩy tăng trưởng dư nợ ngay từ đầu năm; Kiểm soát tốt quy mô huy động vốn phù hợp với tăng trưởng dư nợ; Đẩy mạnh khai thác các loại hình thu phí dịch vụ còn nhiều tiềm năng; Tiếp tục thực hiện tập trung hóa công tác thẩm định và vận hành; Ứng dụng triệt để công nghệ vào hoạt động ngân hàng; Triển khai bán hàng qua các kênh số và các sản phẩm số; Xây dựng phần mềm kho giá; Tiếp tục hoàn thiện chính sách chi trả lương theo năng suất lao động; Tăng cường các hoạt động đào tạo và tự đào tạo về kỹ năng, chuyên môn để tăng năng lực nghiệp vụ, năng lực bán hàng và tổ chức bán hàng…

Chia sẻ về định hướng phát triển của ABBANK tại Đại hội cổ đông, Ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch HĐQT cho biết: “Mỗi doanh nghiệp sẽ có những chiến lược hành động khác nhau phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nếu như trước đây ABBANK bám sát phương châm phát triển bền vững, ổn định thì nay là giai đoạn của sự đổi mới và tăng trưởng. ABBANK xác định đây là thời điểm vàng cho sự chuyển đổi toàn diện cả về tư duy, công nghệ và con người để đáp ứng phương pháp tiếp cận mới trong kinh doanh tại Ngân hàng.”

Về phía các cổ đông, sự phát triển hiệu quả của ABBANK cũng đem đến những giá trị tương xứng với sự tin tưởng và đồng hành của cổ đông với Ngân hàng thông qua đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Nguồn tài chính sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng là từ một phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại từ năm 2018 đến năm 2020 và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Tại ĐHCĐ lần này, các cổ đông tiếp tục đồng thuận và giao cho HĐQT và BĐH ABBANK những nhiệm vụ mới để đưa ABBANK tiến lên những nấc thang mới bền vững và tham vọng hơn.

Đánh giá về hoạt động của ABBANK tại Đại hội, Ông Trần Quốc Hùng –  Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết: “Với vai trò là cơ quan quản lý, chúng tôi đánh giá cao kết quả hoạt động của ABBANK năm qua. Kết quả hoạt động của ABBANK đã có sự thay đổi, chuyển biến tích cực theo chiều hướng đi lên. Ngân hàng đã làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong hoạt động kinh doanh tiền tệ - ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ, hồi phục sản xuất sau đại dịch. Quy mô, chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng, thu hồi nợ xấu của ABBANK đã có nhiều kết quả tích cực nhờ nỗ lực cao của toàn hệ thống và tầm nhìn chiến lược trong hoạch định chính sách và chỉ đạo hoạt động của HĐQT và hoạt động điều hành của Ban điều hành ABBANK.”

LA (Vietnam Business Forum)