08:55:56 | 28/4/2022
Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2021. Đây cũng là những địa phương có những chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 theo đánh giá của các doanh nghiệp.
Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã được tổ chức vừa qua tại HN. PCI nhằm đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Theo báo cáo, căn cứ vào thang điểm 100 được tính từ tổng điểm của 10 chỉ số thành phần, Quảng Ninh tiếp tục dẫn dầu PCI 2021 với số điểm 73,02. Trong bảng xếp hạng PCI năm nay, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế “Rất tốt”. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh đứng đầu về điểm số PCI. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước ở 2 chỉ số thành phần là chi phí gia nhập thị trường (7,98 điểm) và chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, PCI 2021 ghi nhận những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh qua thời gian. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn. Dù bối cảnh dịch bệnh, khảo sát doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố. Chẳng hạn như chi phí không chính thức tiếp tục giảm trong nhiều thủ tục liên quan đến doanh nghiệp hay thủ tục hành chính tiếp tục được doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện nhờ công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ.
PCI 2021 cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục cải thiện như: cải cách thủ tục cấp các loại giấy phép kinh doanh; cải thiện việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp hay triển khai hiệu quả và thực chất hơn nữa Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế… Báo cáo PCI 2021 cũng cung cấp những đánh giá tương đối lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam của các doanh nghiệp FDI.
“PCI 2021 là năm thứ 17 liên tiếp, kể từ năm 2005. 17 năm vừa qua là 17 năm của sự bền bỉ, nỗ lực, 17 năm của những đánh giá khách quan, trung thực và 17 năm hành động để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh”, Chủ tịch VCCI nói.
Tuy đạt được nhiều thành tựu ấn tượng nhưng để PCI được cải thiện tốt hơn thời gian tới, báo cáo cho rằng chính quyền các tỉnh cần đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tập trung cải cách trong các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, môi trường, xây dựng, phòng cháy và quản lý thị trường.
“Các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cần là trọng tâm cải cách trong thời gian tới, khi gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp còn lớn. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI nói.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra doanh nghiệp FDI cũng ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tương đối tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm. Chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng cũng có những cải thiện tương đối rõ rệt theo thời gian.
Để duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, báo cáo PCI cho rằng, Việt Nam cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính về thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai. Cùng với việc tiếp tục cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Quảng Ninh Chỉ số PCI được khảo sát thường niên với Quảng Ninh không chỉ là một kênh thông tin tin cậy để Chính quyền lắng nghe ý kiến chia sẻ, đo lường thông tin phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mà còn là thương hiệu của địa phương, là nguồn lực, động lực phát triển nhanh, bền vững, là mục tiêu chính trị đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI”. Với nhận thức “cái gì không đo đếm được thì không thể cải cách được”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, phương châm “giành được niềm tin của doanh nghiệp đã khó, mà giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục phát triển lên tầm cao mới lại càng khó hơn”, chúng tôi không chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được mà sẽ tiếp tục nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của môi trường đầu tư kinh doanh để tìm cách tháo gỡ, giải quyết… Với kết quả xếp hạng PCI đứng đầu cả nước, Quảng Ninh xác định vai trò và trách nhiệm cao hơn, đòi hỏi tỉnh càng phải tiếp tục chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đề cao trách nhiệm trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ; tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng xanh; luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt... Ông Lê Duy Thành , Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Kết quả PCI 2021, Vĩnh Phúc đứng thứ 5 trong Bảng xếp hạng, đây chỉ là bước đầu để tỉnh tiếp tục phát huy trong những năm tới đây. Quan trọng vẫn là chất lượng điều hành, phục vụ của chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp, người dân trong thời gian tới. Sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu quan trọng nhất khi tỉnh thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết. Năm 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện 8 cuộc khảo sát lớn, trong đó có 5 cuộc khảo sát online để thu thập phản hồi về những khó khăn của doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, tiếp cận tín dụng, lao động và tìm kiếm giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 bùng phát. Những nỗ lực này đã giúp Vĩnh Phúc cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần như Chi phí thời gian (xếp thứ 3 cả nước), Chi phí không chính thức (xếp thứ 3), Cạnh tranh bình đẳng và Tiếp cận đất đai (cùng đứng vị trí thứ 7). Đây là “món quà vô giá” mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dành tặng cho Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. |
LA (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI