“Thắp lửa và giữ lửa” cho những người khởi nghiệp

10:31:36 | 27/5/2022

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - COVID 19 như một lần “thử lửa” đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Và giờ là thời điểm cho thế hệ khởi nghiệp sáng tạo bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, cống hiến của các bạn trẻ cho đất nước.

Đây là những chia sẻ của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương diễn ra tại Quảng Ninh vừa qua.

Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động lực để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo (hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả làm những việc cũ một cách sáng tạo hơn) là yêu cầu và cơ hội của kỷ nguyên số. Gần đây, khái niệm “đổi mới sáng tạo mở” cũng được nhắc đến nhiều như một mô hình kinh tế chia sẻ của nền kinh tế tri thức, công nghệ.

Theo Chủ tịch VCCI, với Chương trình khởi nghiệp Quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI tự hào đã đi tiên phong trong hành trình thắp lửa khởi nghiệp ở Việt Nam từ năm 2002. Hàng vạn thanh niên đã tham gia và hàng nghìn dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo cũng như hàng nghìn nhà khởi nghiệp đã trưởng thành từ chiếc nôi này. “Chiếc nôi khởi nghiệp quốc gia của VCCI không chỉ là nơi trình diễn các dự án mà quan trọng hơn là chúng ta đã thiết lập được một hệ sinh thái và mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam kết nối các bộ ngành, các vườn ươm và tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, mà nòng cốt là các trường đại học, các địa phương”, ông Công nói.

Cũng theo ông Công, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia của VCCI đang phát huy được thể mạnh của một tổ chức hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước và một số tổ chức quốc tế. VCCI đã trở thành viên của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN. Từ năm 2019, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia là đơn vị đề cử và tổ chức Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia của VCCI đang phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP cùng triển khai một số nội dung mới cho khởi nghiệp, trong đó đẩy mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí về kinh doanh liêm chính cho nhà đầu tư và startup, đào tạo khởi nghiệp liêm chính, khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho các giảng viên, cố vấn khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp... Chương trình cũng đang qui tụ được đội ngũ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các hoạt động khởi nghiệp chuyên sâu và cao cấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, muốn hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng của mình thì người khởi nghiệp phải được cung cấp các kiến thức có liên quan. Và nguồn kiến thức đó chính là những chia sẻ quý báu của những người đi trước đã trải qua nhiều kinh nghiệm và đạt được thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Đặc biệt, nguồn vốn cho các DN khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Ở một số nước phát triển, phần lớn nguồn vốn cho khởi nghiệp đến từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thiên thần. Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước được hiểu như “vốn mồi”, phần còn lại huy động từ các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Ông Tùng cho biết thêm, để tạo lập “văn hóa khởi nghiệp” thì công tác thông tin, tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Tỷ lệ thành công ở khởi nghiệp ở VN tuy thấp nhưng cần phải biết “chấp nhận thất bại”, bởi trải qua thất bại mới đến thành công. Tư duy đó cần đưa vào lớp trẻ, vào những người mới khởi nghiệp. Thực sự, những người đó tuy thất bại nhưng họ đang học tập, và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho lần sau.

Ngoài ra, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, theo ông Tùng, các địa phương và các ban, ngành liên quan cần có đủ kiến thức, kỹ năng tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp tương thích với các quốc gia khác đang triển khai; đặc biệt là cần xây dựng văn hóa “chấp nhận thất bại”, dám đứng lên làm lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Anh Mai (Vietnam Business Forum)