14:54:34 | 8/6/2022
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) sau một thời gian đi vào thực thi đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, mở ra một con đường cao tốc cho nhiều mặt hàng Việt tiến sâu vào 27 thị trường thành viên EU.
“Được mùa” xuất khẩu sang châu Âu
Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19 chưa kết thúc và xung đột Nga – Ukraine, khiến giá nguyên, nhiên liệu và cước vận chuyển tăng rất cao, xuất nhập khẩu sang EU vẫn đang tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu hàng hóa sang EU tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với kết quả xuất siêu 13,4 tỷ USD, tăng gần 47% trong 5 tháng đầu năm.
Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện rõ rệt tại EU. Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ 15 của EU và đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.
Với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA mang lại, nhiều mặt hàng xuất khẩu đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại EU - thị trường có quy mô lớn nhất thế giới, trong đó có các sản phẩm thép, nông sản, thủy sản…
Trong 4 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành thép, EU là thị trường có mức tăng “khủng” cả về lượng lẫn trị giá; trong đó, lượng tăng 532% với 1,63 triệu tấn, nhưng đạt trị giá gần 1,9 tỷ USD, tăng 845% so với cùng kỳ.
Rau quả Việt Nam trong top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan vào EU, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á, đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn Thái Lan và Trung Quốc - hai nước chưa có hiệp định thương mại tự do với EU. Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau, quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau, quả tươi tăng từ 15-20%/năm; sản phẩm chế biến tăng hơn 30%. Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau, quả tới thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020.
Theo Hiệp hội điều Việt Nam, thị trường EU đang đứng vị trí số 2 trong số các thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. 4 tháng đầu năm 2022, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, XK hạt điều của Việt Nam đạt 153,35 nghìn tấn, trị giá 913,5 triệu USD, trong đó tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Đáng chú ý, các nước châu Âu như Hà Lan, Đức, Anh, Italy hiện đều nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu điều của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu điều sang sang Anh tăng 16,4%; sang Đức tăng 12,9%; sang Italy tăng tới hơn 110%.
EVFTA đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Riêng trong quý 1/2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 22.500 tấn gạo sang thị trường này, thu về gần 18 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, thủy sản sang EU cũng tăng tốc. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 422 triệu USD, tăng 47,3%. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang EU khoảng 1,077 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2020, đưa EU trở thành thị trường đứng thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản.
Thị trường châu Âu tăng thị phần nhập khẩu hàng dệt may, giày dép từ Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu 2 ngành này tăng mạnh mẽ. Trong 4 tháng đầu năm, dệt may sang EU đã đạt 1,3 tỷ USD, tăng 34,6%, xuất khẩu giày dép đạt 1,77 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Nắm bắt các xu hướng thị trường
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt các xu hướng mới của thị trường để sản xuất các mặt hàng phù hợp nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các nhà nhập khẩu. Đồng thời, cần nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA hơn nữa trong thời gian tới vì còn nhiều dư địa để phát triển.
Các sản phẩm nông sản thủy sản cần nâng cao tỷ lệ chế biến, đầu tư về chất lượng để phân phối được sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tránh mất thị phần khi mải tập trung vào phân khúc bán buôn. Đơn cử, hiện nhu cầu tiêu dùng cá thịt trắng tại châu Âu đang tăng mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra để đáp ứng nhu cầu này
Ông Vũ Anh Sơn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp cho rằng, sản phẩm hữu cơ đang rất thịnh hành ở châu Âu nói chung. Các cơ sở trồng trọt và chế biến phải được đánh giá bởi cơ quan chứng nhận được cấp phép của châu Âu như chương trình chứng nhận bền vững Faitrade và Rainforest. Đầu tư sản xuất các sản phẩm hữu cơ là hướng đi mà các doanh nghiệp nên nhắm tới để mở cánh cửa vào thị trường EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý cập nhật các thông tin thị trường ảnh hưởng bởi chiến sự Nga vào Ukraine. Cụ thể, các hiệp hội và doanh nghiệp nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, và cân nhắc trong việc lựa chọn các ngân hàng thanh toán giữa bối cảnh Hoa Kỳ và EU đang áp dụng lệnh cấm vận đối với nhiều doanh nghiệp Nga.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI