Thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may

08:49:58 | 10/6/2022

Trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2021 đã thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Theo dự báo, với diễn biến khó lường của thị trường cùng với giá cả nguyên phụ liệu liên tục tăng cao sẽ là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.


Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội.

Do đó, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến hết tháng 9, nhiều doanh nghiệp đang đàm phán và ký hợp đồng đến hết năm. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, nhiều đơn hàng thời trang, số lượng lớn cũng được các doanh nghiệp tăng cường khai thác, đầu tư sản xuất.

Đẩy mạnh sản xuất

Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Ðịnh (Natexco) Ðoàn Văn Dũng cho biết, nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp đã giúp đơn vị đạt được kết quả ấn tượng trong sáu tháng qua, với doanh thu ước đạt 1.023 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và 123% so cùng kỳ; sản lượng sợi đạt 7.550 tấn, sản lượng vải đạt 15,4 triệu mét vuông, dệt khăn đạt 155 tấn, bằng 120% so cùng kỳ; sản phẩm may ước đạt 1,05 triệu sản phẩm. Hiện, đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 9 và tiếp tục đàm phán những đơn hàng cuối năm.

Ðây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhất là thời điểm tháng 2, tháng 3 thường xuyên rơi vào cảnh “đói” lao động khi có đến 45-50% số người lao động phải nghỉ việc do mắc bệnh. Với kinh nghiệm trong điều hành sản xuất và tinh thần không ngừng học hỏi từ các đơn vị sản xuất sợi trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã giúp sản lượng sợi của hai nhà máy thuộc Tổng công ty trong tháng 4 và tháng 5 tăng 7% so cùng kỳ. Ðối với ngành dệt vải, Natexco được Tập đoàn cho thuê 96 máy dệt thổi khí hiện đại để nâng quy mô và sản lượng vải từ 1,2 triệu lên 1,9 triệu mét/tháng.

Ðối với ngành nhuộm, năm 2021, Natexco đã đưa về điểm hòa vốn, đồng thời khi có năng suất tăng về vải mộc, đơn vị đã mạnh dạn xử lý hoàn tất để bán cho khách hàng thay vì bán vải mộc như trước đây, do đó, trong sáu tháng đầu năm, ngành nhuộm hoàn tất đã có lãi, ước đạt khoảng 500 triệu đồng. Thời gian tới, Natexco tiếp tục cơ cấu lại các nguồn lực, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất vải dệt thoi và dệt gia dụng lớn tại khu vực miền bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng Ðậu Phi Quyết cho biết, trải qua quý I năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức, đơn vị đã cán mốc đạt 25% kế hoạch về doanh thu và 35% kế hoạch về lợi nhuận. Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Nga-Ukraine nổ ra khiến chuỗi cung ứng thế giới bất ổn, nguy cơ đứt gãy nguồn cung, đứt mạch sản xuất ngày càng hiện hữu. Không chỉ chi phí nguyên phụ liệu đầu vào tăng “phi mã”, chi phí logistics, chi phí xăng dầu,... leo thang gấp 3 đến 4 lần, khiến các đơn vị phải tìm cách xoay xở để thích ứng.

Ðến thời điểm hiện tại, tình hình cung ứng nguồn nguyên phụ liệu của đơn vị cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nguồn phụ tùng, thiết bị vật tư để thay thế máy móc bị ảnh hưởng tương đối lớn. Trước đây, hàng nhập khẩu từ châu Âu về mất 6 đến 8 tuần thì nay đã tăng lên 12 đến 20 tuần. Nếu tình hình này không sớm được cải thiện, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa của đơn vị.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục tìm kiếm và đàm phán các đơn hàng lớn, nguyên công-ten-nơ thay vì các đơn hàng nhỏ để giảm chi phí logistics. Phó Tổng Giám đốc Natexco kiêm Giám đốc Công ty cổ phần May 1-dệt Nam Ðịnh Nguyễn Thị Khánh cho biết thêm, May 1-dệt Nam Ðịnh vừa hoàn thiện Nhà máy số 2 tại huyện Trực Ninh theo hệ thống BSCI của châu Âu; trước đó, Nhà máy số 1 tại thành phố đã được đánh giá từ năm 2017. Ðiều này sẽ giúp May 1 từng bước chuyển dịch dòng sản phẩm lên khách hàng cao cấp, có thương hiệu. Mới đây, công ty cũng đã được một khách hàng cao cấp đánh giá xong vòng 1 và cho may thử nghiệm để cuối năm sẽ đánh giá vòng 2. Khi thành công sẽ là dịp để công ty phát triển thương hiệu và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. 


Sản xuất sợi tại một đơn vị của Vinatex.

Chủ động đối phó các khó khăn

Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, đơn vị vừa hoàn thành quý I năm 2022 với kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng, vượt cùng kỳ năm trước gần 75% về hiệu quả, gần 50% về doanh thu. Tuy nhiên, cũng trong quý I, rất nhiều tín hiệu tiêu cực đã đến với ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng.

Trong đó, xung đột Nga-Ukraine chưa có tín hiệu hạ nhiệt, kinh tế các nước phát triển như Mỹ, EU đều có hướng chuyển tiêu cực nhanh, các dự báo chung về tăng trưởng trong quý I đã giảm từ 1-2% so dự báo tháng 12/2021 ở tất cả các nền kinh tế lớn. Lạm phát ở Mỹ, EU, Anh đều ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua. Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng âm trong quý I. Lãi suất cũng liên tục được đẩy lên và đã ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Nhiều thông tin cho thấy hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng tồn kho lớn, sức mua giảm do kinh tế xoay chiều. Tiếp đến, giá cả nguyên liệu cơ bản tăng nhanh, áp lực của logistics chưa giảm cả về giá và thời gian vận chuyển,... sẽ tác động lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải xây dựng các giải pháp linh hoạt nhằm đối phó, thích ứng kịp thời đối với các tín hiệu của thị trường để từ đó chủ động, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Ðánh giá về kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, do có sự đầu tư và chủ động nguồn nguyên liệu từ trước nên đã giúp đơn vị đạt kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2015-2020, Vinatex đã đầu tư một số dự án sản xuất sợi với công nghệ hiện đại, cho sản phẩm phổ thông chất lượng cao.

Ngay trong năm 2021, Vinatex cũng khánh thành và đưa vào sử dụng hai dự án sợi, tăng năng lực sản xuất của Vinatex lên thêm hơn 5 vạn cọc sợi. Những dự án này đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn thị trường sợi khởi sắc năm 2021, kéo dài sang quý I năm 2022. Các dự án này cũng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc thực hiện chiến lược “Một điểm đến trọn gói” của Tập đoàn trong giai đoạn tới. Hầu hết các đơn vị sợi đầy tải với các đơn hàng được ký kết từ cuối năm 2021.

Mặt khác, các đơn vị sợi cũng có lợi thế với lượng bông nguyên liệu đã được mua từ sớm trong năm 2021 với giá thấp hơn giá bông mua tại thời điểm quý I năm 2022. Ðối với ngành may, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lực lượng lao động quay trở lại làm việc đã giúp các đơn vị nhanh chóng ổn định lao động, triển khai sản xuất hiệu quả. Các đơn hàng quý II đầy tải, nhiều đơn vị đã ký đơn hàng hết quý III, thậm chí hết năm.

Có thể thấy, doanh nghiệp đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trước những rủi ro về địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine, quan hệ giữa Nga-phương Tây và gần đây là chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã khiến nguồn cung bị đứt gãy, giá cả nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao,... Ðể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như tận dụng tốt những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, đánh giá thị trường cần được phát huy nhằm đưa ra những chiến lược mục tiêu ngắn cũng như dài hạn. Công tác quản trị rủi ro được đặt lên hàng đầu. Với doanh nghiệp làm hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) cần vừa nghe ngóng tình hình thị trường, không nhận đơn hàng quá sớm để tránh những rủi ro về đơn giá thấp không theo kịp sự tăng giá của nguyên phụ liệu đầu vào, qua đó bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: nhandan.vn