09:54:41 | 23/6/2022
Các cơ hội từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ là bệ đỡ tạo đà tăng trưởng cho xuất khẩu của Việt Nam vào 15 quốc gia.
RCEP với nhiều điểm mới
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022 và được đánh giá là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.
Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 15 của Việt Nam và là một thỏa thuận giữa các thành viên trong việc tiến tới tự do hóa, loại bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại giữa các nước tham gia. So với 14 FTA được ký kết trước đó, RCEP là hiệp định có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia bởi thị trường 15 nước có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Điều đặc biệt là các đối tác RCEP có trình độ phát triển không đồng đều (gồm cả nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển) nhưng có sức tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh và đều là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu và khoảng 70% (thậm chí có năm là 75%) thị phần nhập khẩu của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thông thường ở mỗi FTA, dù có nhiều đối tác nhưng một nước có một mức thuế quan chung với các nước còn lại và chỉ có khoảng 10-20% cam kết còn lại là bảo lưu nhỏ (hay gọi là cam kết khác biệt của các nước so với cam kết nền chung). Tuy nhiên, Hiệp định RCEP không có một cam kết chung cho các thành viên trong khối mà được phân thành nhiều tầng cam kết, mỗi nước sẽ dành mức thuế quan khác nhau cho từng đối tác theo lộ trình và phương thức khác nhau; phần bảo lưu các nước chiếm tới 30-40%. Ví dụ như Nhật Bản dành cho Việt Nam hưởng mức thuế khác với so với mỗi nước còn lại trong khối đối với từng mặt hàng. Đây là điểm khác biệt đáng lưu ý của RCEP, đòi hỏi các DN Việt Nam phải tìm hiểu kỹ từng cam kết khi thực hiện các hoạt động thương mại với các đối tác trong khối.
Hơn nữa, ở RCEP có thay đổi đáng chú ý trong cam kết về đầu tư. Từ trước đến nay, trừ các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) thì Việt Nam chưa có cam kết gì về mở cửa đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất. Nhưng với RCEP, Việt Nam đã mở cửa cho đầu tư trong hầu hết các ngành sản xuất. Đây là sự đảm bảo cho các nhà đầu tư về việc Việt Nam không thay đổi chính sách mở cửa với những lĩnh vực đã cam kết và điều này là một trong những lý do để kỳ vọng Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước trong khối RCEP.
Một điểm thành công của RCEP là dù 15 nước thành viên có trình độ phát triển về thương mại điện tử khác nhau và có cơ chế quản lý lĩnh vực này khác nhau nhưng các nước trong khối đã đạt được khuôn khổ chung cam kết về thương mại điện tử.
Khi thực thi RCEP, việc các nước thực hiện cam kết sàn tối thiểu về một số thủ tục phi thuế quan, biện pháp phi thuế quan trong một số lĩnh vực và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hải quan điện tử hay sẽ giúp khu vực có được những sáng kiến liên quan đến cơ chế mở cửa, ví dụ như thương mại không giấy tờ và làm đòn bẩy để các hoạt động thương mại diễn ra nhanh hơn, kịp thời hơn và ít chi phí hơn.
Tạo đà tăng trưởng xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP có nhiều điểm khác so với các FTA thế hệ mới Việt Nam đã tham gia nên lợi ích mang lại cũng khác biệt. Nếu CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, thì RCEP còn hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), RCEP cũng là khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu năng động, chiếm 50-55% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam, giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào và được kỳ vọng mang lại cú hích lớn gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng trong nội khối.
Trong báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered, RCEP sẽ củng cố vị thế thương mại, giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Đồng thời, RCEP giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Bộ Công Thương, RCEP mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực như dệt may, thủy sản gạo, cà phê, hạt tiêu, hàng dệt may, giày dép, ô tô, viễn thông…
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm nay có sự khởi sắc đáng kể, chủ yếu gồm cá tra, cá basa, tôm đông lạnh, đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc – quốc gia có quy mô thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng - nên còn nhiều dư địa cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường tỷ dân này. Australia cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng, năm 2021 Việt Nam đã "soán ngôi" Trung Quốc trở thành đối tác số 1 xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch trên 184,4 triệu USD.
Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, 15 nước thành viên RCEP là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành điều Việt Nam với 17,25% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu năm 2021. Hạt điều Việt Nam hiện chiếm 99% thị phần nhập khẩu nhân điều của Australia, 97,8% của Trung Quốc, 97,66% của New Zealand, 78,61% của Hàn Quốc…
Đặc biệt, RCEP sẽ “hóa giải” những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu đầu vào. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, điều khoản của Hiệp định RCEP cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực các nước thành viên cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.
Đơn cử tại thị trường Nhật Bản, nếu như trước đó, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, thì đến nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Hiệp định RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỷ dân này.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
10/10/2023
Tòa nhà VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
07-18/11/2023
La Habana, Matanzas (Cuba), Los Angeles, San Jose, San Francisco (Hoa Kỳ)
4/10/2023
Khách sạn Novotel, Số 02 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội