09:26:47 | 4/7/2022
Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu, đặc biệt là đợt bùng phát dịch Covid 19 vừa qua, để các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Chuyển đổi số giúp các ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa vào các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh trên nền tảng số, qua đó, giúp khai thác dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.
Chuyển đổi số thích ứng với xu hướng hiện đại
Thống đốc NHNN đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN và hoạt động của các TCTD theo hướng hiện đại. Kế hoạch đặt ra là đến năm 2025, 100% các dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 42 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); ít nhất 50% nghiệp vụ tài chính cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Kế hoạch cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% TCTD có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 sẽ có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN và đối với TCTD sẽ có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Ngày 13/01/2022, Thống đốc NHNN tiếp tục đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực tế cho thấy, những ứng dụng từ các công nghệ số mới cùng với sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới trên thị trường như Bigtech/Fintech đặt các ngân hàng trước những cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tích hợp, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên nền tảng số nhằm tối ưu hóa hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Cùng với đó, dịch covid 19 cũng được xem là yếu tố thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số với tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 - 5 năm, đặt các hệ thống ngân hàng trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Song song với xu hướng số hóa mạnh mẽ đó, dịch Covid-19 cũng đã tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo một kết quả khảo sát của NHNN, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số với nhiều ngân hàng đã triển khai các bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, sáng kiến đổi mới sáng tạo. Hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có nhiều nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính.... Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay. Một số ứng dụng của các ngân hàng đang được nhiều khách hàng sử dụng có thể kể đến như VCB Digibank của Vietcombank, Omni-Channel của OCB, iPay của VietinBank, Smart Banking của BIDV, eBank X của TPBank…
Cần nhiều giải pháo đồng bộ
Bên cạnh những lợi ích to lớn, chuyển đổi số cũng mang lại nhiều thách thức cho các ngân hàng. Trong đó, vấn đề mà các ngân hàng quan tâm hàng đầu chính là an ninh an toàn, bảo mật. Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và tinh vi xảy ra ngày càng nhiều đòi hỏi các ngân hàng phải có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn ... Ngoài ra, các hệ thống kế thừa và thách thức tích hợp hệ thống cũng là khó khăn cần vượt qua trên con đường số hóa của các ngân hàng. Còn nhiều ngân hàng vẫn đang sử dụng hệ thống đã được xây dựng cách đây hàng chục năm, vì vậy, không thể phủ nhận đây là yếu tố then chốt cản đường chuyển đổi số thành công của các ngân hàng.
Đồng thời, những hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung … cần khắc phục và cập nhật liên tục. Đặc biệt, các vấn đề về khuôn khổ pháp lý - một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển của ngân hàng trong kỷ nguyên số... chưa được rõ ràng và đồng bộ.
Có thể khẳng định, chuyển đổi số đã và đang được NHNN, các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệu, đồng bộ và bước đầu đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để các ngân hàng chuyển đổi số thành công, theo các chuyên gia ngân hàng, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quá trình hoạt động, vận hành và phát triển chiến lược chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Hành lang pháp lý phải đảm bảo cho cả một hệ sinh thái (Cơ quan quản lý nhà nước - ngân hàng - khách hàng - bên thứ ba có liên quan). Đối với các NHTM, cần tích cực thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng tích hợp đa kênh, đổi mới công nghệ tài chính, hướng đến xây dựng hệ sinh thái toàn diện cho ngân hàng.
Đặc biệt, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần phải có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, vấn đề nguồn nhân lực được xem là nền tảng phát triển bền vững cho các ngân hàng, tổ chức tài chính. Do vậy, ngành ngân hàng phải chú trọng khâu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể thích ứng được yêu cầu rất cao của cuộc CMCN 4.0. Trong thời gian tới, việc triển khai giải pháp nhằm thích ứng với thay đổi của thị trường nhân lực là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI