Xuất khẩu dệt may lộ diện nhiều khó khăn

15:01:32 | 30/8/2022

4 tháng cuối năm, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: Chi phí nguyên liệu tăng, sức mua giảm, cước vận tải cao, áp lực lạm phát… Dự báo, thị trường thế giới với nhiều biến động khó lường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may.

Những sức ép trong trung hạn

Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của DN trong 6 tháng cuối năm 2022. Đại diện một số công ty may mặc cho biết, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, thậm chí một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao. Các đơn đặt hàng trong Q4/22 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.

Khó khăn ngày càng tăng với ngành dệt may khi giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục “phá đỉnh”, khiến chi phí sản xuất của DN đội lên. Đại diện Công ty CP May Sông Hồng cho biết, giá bông tăng 19,1%, giá cước vận tải cũng tăng cao gấp 3 lần, đẩy chi phí sản xuất trong nước của DN đã tăng hơn 20%. Hơn nữa, tỷ giá đồng Euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Mối lo ngại lớn nhất đối với ngành dệt may là áp lực cạnh tranh hậu Covid-19, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin, dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Tại thị trường nội địa cũng phải cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu lớn nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam.

Số liệu cho thấy, tuy nước Mỹ nhập khẩu 40% tăng lên trong quý I, II, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ tăng 26%, trong khi các quốc gia như Bangladesh, Pakistan… đều tăng hơn 40%. Thị phần của Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ 19,3% xuống 18,6%, mặc dù vẫn đứng thứ hai, nhưng những yếu tố đó nhìn thấy rõ áp lực lên doanh nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Vitas nhận định.

Áp lực cạnh tranh của ngành dệt may cũng được Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nêu rõ trong báo cáo đánh giá thị trường mới công bố gần đây, dệt may Việt Nam có dấu hiệu chịu áp lực về giá sau khi nguồn cung giá rẻ là Trung Quốc bị ảnh hưởng. Mỹ có xu hướng gia tăng nhập hàng từ các nước có giá thấp hơn Việt Nam. Hiện, Việt Nam và các nước Đông Nam Á chủ yếu xuất khẩu xơ ngắn PSF (bao gồm cả tái chế và nguyên sinh) sang Trung Quốc, nhưng thị trường xơ PSF tại đây đang ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt, sản lượng nhập khẩu xơ PSF từ Nam Phi và Nigeria vào Trung Quốc tăng phi mã.

Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, thị trường các nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam phần lớn là thị trường đẳng cấp và khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm, môi trường, hàm lượng tái chế, tiêu chuẩn lao động… Xu hướng thế giới cũng đang thay đổi, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững (tăng tuổi thọ sản phẩm, tỷ lệ tái chế, phí cacbon…).

Đồng ý kiến với đại diện VITAS, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết: vừa qua EC đã trình bày bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái, nhằm đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau. Trong đó, dệt may nằm trong nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái.

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Có rất nhiều chính sách phi thuế quan mới đặt ra, điều này sẽ ảnh hưởng trung hạn đối với ngành dệt may. Các DN cần có sự chuẩn bị khi các chính sách đó có hiệu lực tại châu Âu, Mỹ, bao gồm những yếu tố như: Sản xuất xanh, hàng hóa tái chế, tuần hoàn… Đơn cử, thị trường EU có yêu cầu khắt khe hơn về nền kinh tế tuần hoàn càng tác động lớn hơn, hướng tới 2050 là rác thải cân bằng, với Việt Nam đã cam kết đến năm 2030 giảm thiểu 30% khí thải metan, các DN dệt may cần bám sát theo lộ trình quốc gia đó để cam kết thúc đẩy.

Cần giải pháp tổng thể

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may XK, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các FTAs. Đồng thời, VITAS cũng đề nghị bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu.

Đại diện VITAS đưa ra lời khuyên: các DN cần tìm hiểu tình hình thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế để tìm giải pháp phù hợp, chủ động thích ứng được với chuyển đổi nhanh khi biến cố thị trường sức mua toàn cầu giảm. Bên cạnh đó, ngành dệt may cần xây dựng liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, đặc biệt là liên kết chuỗi với các nước trong khối cộng đồng những hiệp định thương mại mà VN mới ký với các nước; liên kết chuỗi nội khối trong Việt Nam và nội khối các nước ASEAN...

Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu, cần đưa ra chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng tiêu chí, chứng nhận xuất xứ và chứng nhận về đảm bảo môi trường, vấn đề tiết kiệm năng lượng, tái tạo và kéo dài vòng đời của sản phẩm theo hướng sinh thái. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa một số giải pháp tự động hóa, đặc biệt là tự động hóa cho ngành kéo sợi, ngành dệt, nhuộm và quản trị ngành may.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)