17:45:13 | 12/9/2022
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa có chuyến thăm và làm việc tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025.
Đoàn công tác của Bộ NNPTNT tại huyện Yên Thủy- Hòa Bình.
Huy động vốn góp từ dân
Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hòa Bình triển khai chậm hơn 1 năm do phải hoàn thiện thể chế và ban hành các quyết định, nghị định, thông tư, tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã huy động được hơn 3.300 tỷ đồng thực hiện Chương trình, trong đó vốn ngân sách của tỉnh, huyện, xã là hơn 882 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 334 tỷ đồng.
Ông Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: đến nay, Hoà Bình có 65/129 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50,4%; bình quân tiêu chí NTM đạt 15,67 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 20 xã NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu; 3 huyện, thành phố hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM; 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.
Tại huyện Yên Thủy, công tác triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM được các cấp, ngành và các đoàn thể quan tâm thực hiện, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân. Bình quân các tiêu chí NTM của huyện giai đoạn 2021 đến nay đạt 17,4 tiêu chí/xã; 6/10 xã đạt chuẩn NTM. Huyện đã xây dựng được 16 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 134 vườn mẫu, 12 sản phẩm OCOP.
Ông Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị chia sẻ, dựa trên tiềm năng và lợi thế khác biệt của địa phương, chúng tôi xác định rõ những định hướng để bà con nâng cao đời sống, đó là phát triển kinh tế từ sản xuất và chế biến dược liệu; hình thành các sản phẩm du lịch và điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm Vườn Quốc gia Cúc Phương và văn hóa bản địa đặc sắc của người Mường.
“Xã Yên Trị là một trong số ít địa phương có vườn bảo tồn nguồn gen của hơn 300 loại dược liệu quý hiếm, đồng thời thành lập Hội Đông y với gần 40 thành viên để chăm sóc sức khỏe cho người dân trong và ngoài địa phương. Các thành viên trong hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Trị và Hội Đông y thu mua toàn bộ dược liệu của bà con và chế biến thành nhiều sản phẩm giá trị như trà, cao cô đặc, viên nén từ cây cà gai leo, xạ đen,… tốt cho sức khỏe, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP để xây dựng thương hiệu và bán ra thị trường”, ông Diệp chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trò chuyện với bà con xã nông thôn mới nâng cao Yên Trị, huyện Yên Thủy
Thăm bà con nhân dân xã Yên Trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, mời các chuyên gia về lĩnh vực du lịch về tập huấn cho bà con những kỹ năng kể câu chuyện để giới thiệu về cảnh sắc thiên nhiên, di tích văn hóa lịch sử, về các sản phẩm dược liệu và văn hóa đời sống của người Mường; kỹ năng chế biến các món ăn bản địa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, muốn phát triển du lịch cộng đồng thì người dân phải khôi phục không gian kiến trúc nhà sàn, mặc trang phục truyền thống và tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mường.
Khơi gợi sức dân
Đánh giá về kết quả thực hiện xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định, tuy rằng chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn này đã mất khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện thể chế, nghị quyết, thông tư, hướng dẫn. Tuy nhiên, từ nhiều nguồn thông tin và đặc biệt qua chuyến thăm và làm việc tại Hoà Bình trực tiếp thấy được sự chủ động, năng động của địa phương trong xây dựng NTM từ nguồn vốn địa phương, không trông chờ nguồn vốn Trung ương để triển khai chương trình.
Bộ trưởng trao đổi với người dân tại vườn bưởi
Thông qua chuyến khảo sát này, Bộ NNPTNT và Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ nhìn lại quá trình, cách thức chuẩn bị, không chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương mà tất cả chúng ta cần chuẩn bị chuyên đề để phát triển kinh tế nông thôn. Bởi kinh tế nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng của giai đoạn sắp tới. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Nếu giao đoạn vừa qua chúng ta tập trung đầu tư hạ tầng thì giai đoạn tới chúng ta sẽ tập trung vào chương trình mỗi làng một sản phẩm, du lịch cộng đồng, kinh tế hợp tác, khởi nghiệp nông nghiệp nông thôn. Thông qua đó tạo ra một quy trình, tiến độ, kế hoạch cụ thể để các cấp chủ động áp dụng thực hiện chứ trông chờ vào phân bổ nguồn ngân sách đầu tiên.
Hoà Bình cần tập trung xây dựng không gian phát triển cộng đồng với 5 yếu tố: chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; cần phải tri thức hóa người nông dân; hướng tới xây dựng và nâng cao giá trị sản phẩm."Quan trọng nhất là khơi gợi được nguồn lực địa phương, nguồn lực hiện có để tạo ra nhiều giá trị cho không gian phát triển nông thôn, tạo ra nhiều sinh kế việc làm cho nông thôn và hình ảnh nông thôn phát triển dựa trên tài nguyên bản địa sẵn có của mình, từ đó đi lên" Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 1 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh Hoà Bình cho chương trình đạt khoảng trên 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước trên 453 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án cho các xã trên 122 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư đạt 122 tỷ đồng. Tỉnh Hoà Bình cũng đề xuất, mong muốn được Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để các địa phương miền núi xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Liên quan đến đảm bảo an toàn hạ du khi Công ty Thuỷ điện Hòa Bình xả lũ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đề nghị Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai xem xét hỗ trợ, đầu tư nâng cấp một số công trình phòng chống thiên tai cấp thiết trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh buổi họp tại UBND huyện
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong giai đoạn tới, Chương trình xây dựng nông thôn mới cần phải thiết kế những không gian của từng thôn bản, từng xã, từng huyện. Qua đó, mỗi cộng đồng, mỗi địa phương ở tỉnh Hòa Bình phải đào sâu suy nghĩ xem nơi mình đang sống có cái gì là lợi thế, có cái gì là khác biệt để chăm chút thêm.
Đặc biệt, phải xác định cái gì cần phải thay đổi, cái gì cần giữ lại, kể cả bản sắc văn hóa xã hội, di sản của địa phương. Bởi, không gian đó chính là tài nguyên phát triển du lịch, tạo ra các điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP; tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Bởi vậy, tỉnh Hòa Bình cần phải đặt mình vào vị trí của người dân, cộng đồng để hỗ trợ, từ đó kích hoạt các nguồn lực sẵn có.
Về các kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương, đồng thời khảo sát thực tế để lựa chọn một địa điểm và hỗ trợ các mô hình phát triển sinh kế, kinh tế hợp tác và đầu tư để huyện Yên Thủy xây dựng nông thôn mới đúng theo tinh thần, định hướng đề ra trong giai đoạn tới.
Hòa Bình cần tập trung xây dựng không gian phát triển cộng đồng với 5 yếu tố: chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; cần phải tri thức hóa người nông dân; hướng tới xây dựng và nâng cao giá trị sản phẩm. Nông thôn mới phải tích hợp được đa giá trị, vừa có sản phẩm OCOP được chế biến từ cộng đồng, vừa có sản phẩm du lịch của đồng bào các dân tộc thì giá trị nông thôn mới của Hòa Bình sẽ đi nhanh và tạo ra sự khác biệt. Bọ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởngLê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hoà Bình và huyện Yên Thủy lựa chọn 1 xã để Bộ hỗ trợ hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Minh Ngọc – Bùi Liên (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI