11:33:57 | 15/9/2022
Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN) được cho là những nguyên nhân khiến hoạt động phát hành TPDN mới hoạt động kém sôi động.
Cùng với đó, trên thị trường tiền tệ, bối cảnh “ngột ngạt” của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng… cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.
Khó huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu DN
Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường TPDN vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới khi mà trong tháng 8/2022, chỉ có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng 4 tháng qua, hoạt động phát hành TPDN mới đã không còn “nóng” như thời gian trước.
Trong khi đó, Chính phủ liên tiếp có các định hướng, đề án đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vốn, trong đó có trọng tâm thị trường TPDN với mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025. Đây là mục tiêu không hề đơn giản.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để giúp nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng phục hồi, trong đó có các chính sách về tài khóa. Bên cạnh giãn, hoãn thuế Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh đầu tư công nhưng đầu tư công cũng đang gặp nhiều vấn đề và khó đạt mục tiêu cả năm.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho các ngân hàng nhưng Việt Nam đang đứng trước sức ép của lạm phát nên có thể nới room sẽ không nhiều. Chính vì vậy, nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu…
"Có thể thấy ở các nước kênh vốn chủ yếu đến từ thị trường vốn nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thị trường vốn Việt Nam phát triển khá mạnh trong 5 năm gần đây nhưng vẫn còn non trẻ. Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam. Cần phải làm sao để nguồn vốn của người dân trực tiếp tham gia vào quá trình huy động vốn chứ không phải qua kênh tiết kiệm ngân hàng", ông Lộc nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang đa dạng hóa các nguồn vốn trong đó có qua kênh chứng khoán và trái phiếu. Thực tế đã có những ví dụ thành công nhưng việc huy động vốn qua các kênh này vẫn gặp khó khăn.
Theo ông Lộc, việc phát triển thị trường vốn để tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp rất quan trọng. Thời gian tới đến hạn thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp, như vậy các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn rất lớn nên cần tháo gỡ ngay, nếu không sẽ có những đổ vỡ. Những động thái của các cơ quan chức năng thời gian qua giúp thị trường thanh lọc song cũng cần có những giải pháp tháo gỡ để thị trường vốn được khơi thông.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đánh giá, tổng dư nợ TPDN vào khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ đồng. Những năm qua, thị trường trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Theo tính toán, 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ. Nguồn vốn này có thể gánh vác được gần như nguồn vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm kiếm.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, không ai quan tâm đến tầm quan trọng đó, mà chỉ coi đây như một trò chơi “đánh bạc” của các nhà phát hành. Không còn tâm thế phát triển một thị trường cung ứng vốn trung - dài hạn, định hình kinh tế tư nhân làm chủ đạo, việc không có bộ phận giám sát cụ thể là điều rất đáng trách.
Cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan
Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho biết, thị trường TPDN bao gồm thị trường trái phiếu phát hành ra công chúng theo luật chứng khoán và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong số 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu đã phát hành, có 80% là phát hành riêng lẻ và 20% còn lại phát hành ra công chúng. Nghị định 153 tập trung vào trái phiếu phát hành riêng lẻ nhưng cho tới nay, chưa có cơ quan nào trả lời 20% trái phiếu phát hành ra công chúng đang có vấn đề gì hay không?
Một điều cần lưu ý là năm 2021 là năm chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất lớn. Do đó, không thể bỏ qua câu chuyện tác động của dịch bệnh tới thị trường này.
“Vấn đề quan trọng là ai chịu trách nhiệm về thị trường TPDN? Nghị định 153 quy định rất rõ là Bộ Tài chính, tuy nhiên, chỉ Bộ Tài chính thì không thể giải quyết được các vấn đề của thị trường nếu không có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, bởi đây là người mua TPDN, là người tham gia lớn nhất”, ông Ánh nhấn mạnh.
Theo ông Ánh, nhiều ý kiến cho rằng VN đang có một thị trường TPDN 3 không: Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường TPDN, bởi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì họ đã đi vay ngân hàng. Quan trọng nhất của TPDN là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Bởi vậy, điều quan trọng là VN cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan.
Ông Don Lambert, Trưởng ban phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thị trường trái phiếu phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng.
Hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực châu Á cũng có những đơn vị xếp hạng uy tín. Theo ông Don Lambert, Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu. Những đơn vị này có thể giúp đem đến những cách thức và tiêu chuẩn hạng tốt nhất, nhất là những kinh nghiệm và quản trị.
Có thể thấy, tại Việt Nam, các nhà đầu tư đầu tư vào trái phiếu do doanh nghiệp phát hành rất ít, chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu do các ngân hàng phát hành. Trong khi nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn và phản ánh khá rõ qua sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Vì vậy, ông Don Lambert cho rằng, Việt Nam rất cần đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm với các yêu cầu bắt buộc. Cùng với đó, cần có những doanh nghiệp làm theo yêu cầu này để làm ví dụ cho thị trường, bởi có không ít công ty khá kém về việc công bố các thông tin nên các tổ chức có vai trò rất lớn trong việc minh bạch thông tin.
“Việt Nam hoàn toàn có thể làm được xếp hạng tín nhiệm vì đã có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa. Bên cạnh đó, một khi đã phát triển được môi trường pháp lý tốt thì sẽ thu hút được nhà đầu tư”, ông Don Lambert khẳng định.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại VN là mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là chúng ta có thể nhìn thấy những con số tăng trưởng khá tốt. Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua đều rất lớn. Tuy nhiên, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng. Chúng ta cũng thấy vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Điều quan trọng là khi tham gia thị trường đều cần có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro. Do đó chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có “khẩu vị” khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta cần có các công cụ khác nhau. Công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rủi ro ít thì trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước là cần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ và chặt chẽ, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư. TS. Trịnh Quang Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam Xét về khía cạnh vĩ mô, quy mô thị trường vốn Việt Nam khoảng 11,5 triệu tỷ đồng chia cho GDP 8 triệu tỷ, được khoảng 144%, trong đó thị trường trái phiếu khoảng 40% GDP. Tín dụng năm nay khoảng 14% và hầu hết các ngân hàng đều đang cạn room, sẽ tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ quay qua phát hành trái phiếu để huy động vốn. Một số ngân hàng cũng giới thiệu cho các nhà đầu mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành qua các ngân hàng. Cơ quan quản lý thường nói phải công khai minh bạch nhưng hiện có những cách làm rất không rõ ràng. Chúng ta đặt kỳ vọng thị trường trái phiếu lớn nhanh nhưng bền vững, song trên thực tế trong quá trình phát triển phải có quá trình sàng lọc, đào thải mới có sự phát triển. Nên đã xảy ra những “chuyện nọ chuyện kia” cũng là điều cần thiết để thanh lọc thị trường. Chỉ có những vấn đề rủi ro vĩ mô là cần phải quản lý còn những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thị trường hãy để nó diễn ra đúng quy luật. Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Thời gian vừa qua thị trường xảy ra rất nhiều vấn đề mà trong đó, nhiều nhà đầu tư chưa thu hồi được tài sản. Chính các vấn đề này dẫn đến động thái thắt chặt của cơ quan quản lý, khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị liên lụy. Thống kê cho thấy tháng 7-8 vừa rồi khối lượng phát hành chỉ 20-30 nghìn tỷ đồng, đây là nút thắt rất lớn. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu, trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành như nào? Thị trường TPDN của VN còn non trẻ, chưa thực sự phát triển, có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp coi đây là một "bữa tiệc" để lợi dụng vốn nhà đầu tư. Để xử lý được vấn đề này, đối với doanh nghiệp phát hành, cần phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với chính mình, với cán bộ nhân viên của mình, với sự phát triển của thị trường tài chính. DN cần sử dụng vốn hiệu quả hơn, thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, trả nợ đúng hạn. DN nên thành lập bộ phận quản trị tài chính, có nhiệm vụ tính toán dòng tiền, nhu cầu vốn, giúp doanh nghiệp hoạt động theo một kế hoạch bài bản. Bên cạnh đó, DN cũng cần có bộ phận quan hệ với nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần làm việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn. VN cũng cần có những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan khác như đại lý phát hành, quy định rõ về tài sản đảm bảo,… Đối với nhà đầu tư, cần nhìn nhận trái phiếu cũng là một kênh đầu tư, hãy phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý. Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành hoặc có thể tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia Trong xã hội đã có phân công nhiệm vụ, dòng vốn ngắn hạn thì giao cho ngành ngân hàng, còn về vốn dài hạn thì phải dựa vào thị trường trái phiếu. Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng. Muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Cũng cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. |
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/10/2023
Tòa nhà VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
07-18/11/2023
La Habana, Matanzas (Cuba), Los Angeles, San Jose, San Francisco (Hoa Kỳ)
4/10/2023
Khách sạn Novotel, Số 02 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội