08:35:04 | 16/9/2022
Doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Phát huy vai trò xung kích của đội ngũ doanh nhân
Tại buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu rõ: Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp... Khi đất nước căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, doanh nhân Việt Nam cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.
Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Về chất lượng cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ/tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.
Với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường trong nước và thế giới, doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước.
Theo Chủ tịch VCCI, hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với cộng đồng xã hội, đặc biệt qua dịch Covid-19 thể hiện rất rõ. Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, tồn tại: vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết ... Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân từ hạn chế về đạo đức doanh nhân.
Trách nhiệm và mong muốn của doanh nghiệp, doanh nhân
Đại hội XIII đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Chủ tịch VCCI kiến nghị 3 giải pháp trọng tâm đội ngũ doanh nhân phát huy vai trò xung kích.
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.
Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, điện kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Xây dựng và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân VN. Đảm bảo doanh nhân VN có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045…
Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị cần chú ý đến các yếu tố của bối cảnh mới, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập. Để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, cần củng cố, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn, đồng thời khuyến khích các DN Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại.
Phát triển DN Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ, mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới. Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội của đội ngũ DN, doanh nhân. Tăng cường tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng giữa các DN trong nước để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của DN Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh việc quan tâm đến phát triển về số lượng DN, doanh nhân, cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng DN, doanh nhân, nhất là về xây dựng đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh để có được đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN hiện đại tương xứng với một quốc gia phát triển vào năm 2045.
"Cần bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những DN, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cộng đồng xã hội, người lao động, người sử dụng hàng hóa, dịch vụ", đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Trần Việt Anh Doanh nhân Việt Nam luôn luôn là đại sứ chính thống của đất nước về sản phẩm ra nước ngoài, nhưng hiện tại thì việc đó rất hạn chế, ngoài Viettel là đại diện của nhà nước và Vinfast thuộc tập đoàn rất lớn thì các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam của doanh nhân đại diện ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Đa số doanh nhân hiện nay vẫn thích làm cái gì dễ và thích làm cái gì đấy trong phạm vi đất nước mình thì đơn giản, dễ xử lý. Cộng đồng doanh nhân chọn xuất khẩu luôn luôn ít hơn cộng đồng doanh nhân chọn nội địa, do đó, tôi nghĩ là nên cần có truyền thông hỗ trợ để doanh nhân, coi thị trường nước ngoài như thị trường trong nước; làm sao để người Việt ở trong nước được dùng những sản phẩm bằng hoặc cao hơn ở nước ngoài. Một tư duy rất hạn chế là sản phẩm xuất khẩu thì tốt nhưng sản phẩm trong nước thì luôn luôn không bằng sản phẩm xuất khẩu vì sự dễ dãi giữa nhà sản xuất và phần đông người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Thân Nếu chúng ta chỉ tăng trưởng về quy mô mà không tìm ra giải pháp để tăng năng suất lao động ngang tầm với các công ty trên toàn cầu thì sớm muộn chúng ta cũng ra khỏi chuỗi toàn cầu. Thí dụ như trong ngành thời trang của chúng tôi, một người lao động đi làm trung bình một năm phải tạo ra năng suất lao động tổng hợp trung bình 20-25.000 $ thì mới đảm bảo đời sống, đảm bảo được năng lực cạnh tranh, đảm bảo được dòng tiền quay đầu để tái cấu trúc. Nếu năng suất lao động không đảm bảo được thì sớm muộn chúng ta cũng ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Lê Vĩnh Sơn Trong các chính sách thu hút, hỗ trợ hiện nay thì khối doanh nghiệp FDI "đang lợi hơn nhiều" so với doanh nghiệp trong nước. Trong khi doanh nghiệp trong nước phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Để có thể đạt được mục tiêu 1 triệu DN, có thể dùng các chính sách hỗ trợ để “mở đường” ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển đi lên: ví dụ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới 20%, có thể 15%. Nguồn bù vào chính là tăng thuế VAT, từ đó sẽ bù đắp một phần cho thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo ra sự “hồ hởi” cho doanh nghiệp hăng hái nộp thuế. Với 5 triệu hộ kinh doanh dùng thuế khoán, khi thấy thuế thu nhập doanh nghiệp thấp sẽ đăng ký mở sổ để có mã số, nhập sổ sách và dần đi vào kinh doanh đàng hoàng. |
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI