Gỡ các “nút thắt” để đẩy mạnh thu hút đầu tư

11:27:42 | 19/10/2022

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh tập trung tháo gỡ các “nút thắt” về quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính. Ông Phan Quốc Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã chia sẻ về vấn đề này.

Những chia sẻ của ông về kết quả đạt được trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh thời gian gần đây?

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2021, tỉnh đã đạt một số kết quả như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng đầu cả nước; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 08 toàn quốc; ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-index) giữ ngôi vị thứ 2; chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 4; xếp thứ 5/15 tỉnh/thành phố du lịch lớn của cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam 2021; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đạt giải thưởng Sao Khuê (năm thứ 2 liên tiếp) ở lĩnh vực “Các nền tảng chuyển đổi số”.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) được đẩy mạnh, nhất là tháo gỡ “nút thắt” nhằm đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đăng ký đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư. Cụ thể, UBND tỉnh đã thành lập 04 tổ công tác do đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhằm cùng DN tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án. Các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) được giao trách nhiệm phụ trách từng nhóm dự án với tư cách thành viên giúp việc của tổ công tác, có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực NĐT trong việc hoàn thành các thủ tục có liên quan, làm đầu mối hỗ trợ NĐT tác nghiệp cùng các sở, ngành xử lý từng nội dung công việc vướng mắc, kịp thời cập nhật, báo cáo tổ trưởng các tổ công tác xử lý kịp thời các nội dung yêu cầu.

Hiện đã có nhiều NĐT lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội tại tỉnh như: Tập đoàn Hòa Phát, Sovico, Alphanam…; KMH, KRRI (Hàn Quốc), Banpu (Thái Lan),... UBND tỉnh cũng tổ chức thành công Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh - Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh”. Tại hội nghị, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã cam kết hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh một số lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, du lịch và môi trường.

Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 12.189,4 tỷ đồng (gồm 04 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD, tương đương 5.286,71 tỷ đồng); trong đó, địa bàn khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) cấp 09 dự án với tổng vốn đầu tư 2.970 tỷ đồng. Đồng thời, đã cấp điều chỉnh cho 16 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 05 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 521,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 07 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn NĐT với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 3.523 tỷ đồng. Tính đến 21/9/2022, có 616 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.449,1 tỷ đồng; tăng 40,3% về lượng và tăng 60,3% về vốn so với cùng kỳ.

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Song về tổng thể, kết quả đạt được còn khiêm tốn so với lợi thế, tiềm năng; nguyên nhân do vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu,…

Ông có thể cho biết rõ hơn những “nút thắt” nói trên và tỉnh đang nỗ lực khơi thông ra sao?

Hiện công tác thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh đang gặp một số “nút thắt” và tỉnh đang tập trung tháo gỡ.

Thứ nhất về quy hoạch, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (năm 2012), đang tổ chức lập Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, còn một số bất cập về quy hoạch đô thị, xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án. Nổi bật như việc điều chỉnh đối tượng lập quy hoạch xây dựng khu chức năng: Theo Khoản 25 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, một số khu vực trên địa bàn thuộc khu chức năng nhưng theo Điểm a Khoản 1 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 lại không thuộc nhóm đối tượng lập quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn hoặc khu chức năng dẫn đến thiếu căn cứ quản lý và thủ tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó là các tồn tại: Thiếu quy định liên quan đến lập tổng mặt bằng dự án; thiếu quy định về chuyển đổi số quy hoạch xây dựng; kinh phí bố trí lập quy hoạch xây dựng nông thôn thấp;… khiến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm tạo “quỹ đất sạch” còn bất cập: Chế độ chính sách chưa phù hợp về giá, tái định cư, điều kiện bồi thường; thiếu hồ sơ hiện trạng sử dụng; đội ngũ cán bộ GPMB thiếu và yếu; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi chưa sát sao,…

Thứ ba, hiện có rất nhiều thủ tục hành chính (TTHC) từ quy hoạch đến chấp thuận chủ trương, lựa chọn NĐT…, thậm chí có TTHC chồng chéo, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến cơ hội của các NĐT.

Hiện tỉnh đang rà soát xin ý kiến các bộ, ngành về một số vướng mắc quy hoạch; đồng thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” về TTHC và GPMB. Đặc biệt, đã xây dựng quy trình TTHC từ khâu lập quy hoạch, lựa chọn NĐT, đưa dự án vào hoạt động,… để lên kế hoạch, sơ đồ giao nhiệm vụ từng cơ quan, cá nhân theo thời hạn được giao. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm hành vi chậm trễ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Xin ông cho biết đâu là các mục tiêu, điểm nhấn trong công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) của tỉnh trong năm 2022?

Trong thời gian qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư luôn được tỉnh quan tâm thông qua việc ban hành kế hoạch 5 năm và hàng năm với “từ khoá” Nghị quyết 54, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương,… Cụ thể năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình XTĐT với các điểm nhấn gồm:

* Với địa bàn ngoài Khu kinh tế - công nghiệp (KKT- CN) tỉnh: Thu hút các dự án phát triển đô thị khu vực Đô thị mới An Vân Dương, các khu đô thị mới tại TP.Huế, TX.Hương Thủy; các khu đô thị mới, khu phức hợp đô thị du lịch ở huyện Phong Điền; khu phức hợp dân cư kết hợp du lịch ven biển ở Hải Dương (TP.Huế); xã Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh và Phú Diên (huyện Phú Vang); xã Quảng Công (huyện Quảng Điền)... Bên cạnh đó là các dự án về văn hóa như: khu văn hoá đa năng ở Đô thị mới An Vân Dương, cầu Lim và bãi bồi Lương Quán, Độn Sầm;… các dự án công nghệ thông tin, công nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu năm 2022 thu hút được 20 dự án với tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng và vốn thực hiện 40%.

* Địa bàn KKT - CN: Tăng tỷ lệ lấp đầy bằng việc thu hút các dự án: Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính, sản xuất tấm nền sillicon, chíp bán dẫn, sản xuất hydrogen, nhà máy sản xuất dược phẩm;… Phấn đấu đạt mục tiêu KKT Chân Mây - Lăng Cô thu hút 5 - 8 dự án, vốn đăng ký 4.000 - 5.000 tỷ đồng, vốn thực hiện 6.000 - 7.000 tỷ đồng; các KCN thu hút 10 - 15 dự án, vốn đăng ký 3.500 - 4.000 tỷ đồng, đồng thời thu hút được nhà đầu tư hạ tầng KCN Phú Đa, Quảng Vinh; 100% KCN có nhà đầu tư hạ tầng và có công trình xử lý nước thải tập trung.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đang mở ra cơ hội nào đối với quá trình thu hút đầu tư, phát triển DN, thưa ông?

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 giúp tỉnh Thừa Huế phát huy nội lực, huy động tối đa nguồn lực phát triển, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, KKT- KCN,... tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh.

Để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 triển khai Chương trình số 12-Ctr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15. Sở cũng rà soát, đề xuất các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm nhưng chưa cân đối được nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xem xét đầu tư bằng nguồn vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn tăng thu từ xuất nhập khẩu,…

Sở cũng chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý KKT- KCN tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ DN về xuất nhập khẩu; chính sách thu hút, hỗ trợ xuất khẩu qua cảng biển Chân Mây - Lăng Cô; cùng Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ Tài chính sớm ban hành Nghị định thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Sở cũng ưu tiên đầu tư có trọng tâm vào các chương trình dự án lớn như: Nâng cấp, phát triển đô thị TP.Huế theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Dự án di dời dân cư, GPMB khu vực I Kinh thành Huế; mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài,… Tập trung đẩy nhanh việc chuẩn bị đầu tư, GPMB các dự án đường và cầu Nguyễn Hoàng, dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài;... song song đó tham mưu khởi công xây dựng một số dự án lớn ngoài ngân sách.

Ngoài ra, Sở đang chủ trì, tham mưu đôn đốc, kiểm tra, xử lý vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án ngoài ngân sách và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý, thu hồi hoặc có biện pháp khắc phục đối với dự án chậm tiến độ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tích cực hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh
Triển khai Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 10/3/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2022-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai các giải pháp, nhiệm vụ:
* Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Trung ương và tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN: Đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, hội thảo để DN tiếp cận, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, hỗ trợ DN ổn định hoạt động trong ngắn hạn và đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn. 
* Xây dựng các chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN: Sở đang tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về điều chỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa phù hợp với quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ. Sở cũng đang đôn đốc, phối hợp cùng các sở, ngành triển khai xây dựng chính sách miễn vé tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế năm 2022, giảm 50% giá vé tham quan năm 2023; hỗ trợ loại hình du lịch hội nghị, hội thảo. 
*Cải cách TTHC: Đã triển khai nhiệm vụ của 04 tổ công tác liên ngành do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở đã giao trách nhiệm cho các chuyên viên phụ trách từng nhóm dự án có nhiệm vụ hỗ trợ NĐT hoàn thành các thủ tục; phối hợp các sở, ngành xử lý vướng mắc; cập nhật, báo cáo tổ trưởng các tổ công tác xử lý kịp thời.

Trần Trang (Vietnam Business Forum)