16:43:22 | 1/12/2022
![]() |
Đó là trao đổi của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Nghiêm Văn Tuấn với phóng viên bên lề hội thảo “Giải pháp Nâng cao Chất lượng Điểm đến Kết nối Tour tuyến Du lịch trên Địa bàn tỉnh Sơn La” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Tỉnh Sơn La, Câu lạc bộ Lữ Hành Unesco Hà Nội và khách sạn Glenda Tower Mộc Châu tổ chức mới đây . Theo ông Tuấn, du lịch Sơn La đã có bước phục hồi nhanh chóng nhờ thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 linh hoạt. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, lưu trú; xây dựng các tuyến điểm, sản phẩm du lịch khác biệt; kết nối địa phương v.v.
Xin ông cho biết sự phục hồi của du lịch Sơn La sau Covid-19?
Tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp ảnh hướng lớn đến các hoạt động phát triển du lịch nói chung và của tỉnh Sơn La nói riêng. Từ năm 2022, các hoạt động thương mại, du lịch phục hồi mạnh mẽ do thực hiện hiệu quả việc quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển du lịch và sản phẩm du lịch như Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026 để khơi dậy phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đặc biệt là khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La; các vùng cao, vùng biên giới và lợi thế của hai cao nguyên rộng lớn là cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản.
Bạch Long- cầu kính đi bộ dài nhất thế giới
Năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá, công nhận 5 khu, điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện theo Luật Du lịch, gồm: Khu du lịch rừng thông bản Áng; điểm du lịch Thác Dải Yếm, huyện Mộc Châu; điểm du lịch Pha Đin Top, huyện Thuận Châu; điểm du lịch Rừng Vàng, thành phố Sơn La và điểm du lịch Đền Hang Miếng, huyện Vân Hồ. Đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch 3 sản phẩm du lịch mới độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp: Cầu kính Bạch Long, Làng Bắc Âu, khu phố đi bộ - chợ đêm thuộc khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 540 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 38 khách sạn từ 1-5 sao, 502 nhà nghỉ du lịch, homestay và các loại hình lưu trú du lịch khác. Tổng lượng khách đến Sơn La năm 2022 ước đạt 3.200 nghìn lượt người, bằng 3,51 lần; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 3,29 lần so với cùng kỳ năm trước.
Với lượng khách như vậy, hệ thống lưu trú liệu đã đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch Sơn La chưa, thưa ông?
Với số lượng phòng khách sạn hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch cao cấp, chưa có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế mà chủ yếu vẫn là các hoạt động homestay để phục vụ du lịch cộng đồng vào dịp cuối tuần. Cơ sở lưu trú phục vụ khách Inbound còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu, sở thích của du khách. Các khu, điểm du lịch cộng đồng còn hạn chế mới có 05 điểm công nhận nên hệ thống lưu trú trong cộng đồng đạt chất lượng còn thiếu.
Từ những khó khăn đó trong thời gian tới Trung tâm Xúc tiến đầu tư sẽ tham mưu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực mời gọi, tư vấn cho các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Mường La.
Khách sạn 4 sao Glenda Tower Mộc Châu ra đời đóng góp vào nguồn cung cho hệ thống lưu trú còn thiếu hụt của du lịch địa phương
Để phát triển du lịch Sơn La, công tác liên kết cũng cần được chú trọn, thưa ông?
Đó cũng là một trong những hoạt động xúc tiến tỉnh Sơn La rất chú trọng nhằm nhằm phát triển Du lịch đối với các tỉnh Tây Bắc mở rộng và các thị trường lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh.
Trong thời gian qua, tỉnh Sơn la đã triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hồ Chí Minh: tham gia các hoạt động tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hanoi; Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Lai Châu; Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18; tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 và Dự Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022; Tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Du lịch Sơn La tại Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai” và tham dự Hội nghị Tổ thường trực, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; Phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Liên kết giới thiệu sản phẩm du lịch khác biệt tỉnh Sơn La tại thành phố Đà Nẵng năm 2022.
Công tác xúc tiến luôn được tăng cường
Xây dựng, triển khai các hoạt động phối hợp phát triển du lịch với các tỉnh Lào Cai, Hưng Yên, Hải Phòng với các nội dung chính: Hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; Phối hợp tổ chức ngày hội, sự kiện du lịch tỉnh Sơn La và Hải Phòng để quảng bá xúc tiến du lịch; Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp du lịch đánh giá sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, kết nối các tour du lịch giữa hai địa phương; Hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệp phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.... giữa hai địa phương.
Ông có thể cho biết định hướng phát triển của du lịch Sơn La?
Với quan điểm phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó những định hướng trọng tâm được xác định là: Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, ưu đãi có tính đột phá để thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung mọi nguồn lực xây dựng phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia Mộc Châu được công nhận vào năm 2025; xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành KDL quốc gia; xây dựng KDL huyện Quỳnh Nhai, Bắc Yên thành KDL cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Sơn La trong thời gian tới, phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Sơn La đón 5,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm. Du lịch Sơn La sẽ tích cực tập trung xây dựng quy hoạch về phát triển du lịch, trong đó có quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng, sản phẩm... và để phát triển du lịch Sơn La đi đúng định hướng và có những sản phẩm du lịch tốt thì tỉnh đang quyết tâm đẩy mạnh đầu tư từng ngày.
"Vừa qua, du lịch Sơn La đã được vinh danh là điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam và hàng đầu Châu Á. Đây vừa là lợi thế, nhưng cũng là bài toán đặt ra cho chúng tôi khi phải xây dựng những sản phẩm du lịch khác biệt. Đồng thời cần phải bảo vệ, bảo tồn các tài nguyên quý giá của thiên nhiên. Bên cạnh đó, du lịch Sơn La phải đặt mục tiêu đa dạng hoá những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc để phục vụ cho du lịch trọng điểm".
Việc phát triển du lịch Sơn La đặc biệt là du lịch cộng đồng cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời phải am hiểu pháp luật để thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về luật đất đai, về xây dựng, về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa hay là bảo vệ môi trường.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Sơn La đang thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Sơn La; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; triển khai thực hiện các dự án, đề án phát triển hạ tầng du lịch và các đề án chi tiết phát triển du lịch tại KDL quốc gia Mộc Châu, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành KDL cấp tỉnh và định hướng đưa vào danh mục quy hoạch du lịch quốc gia... Tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm, khu, điểm du lịch, du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp, du lịch gắn với phát triển nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch...
Chuyên gia Vũ Văn Tuyên, giám đốc công du lịch Travelogy: Mộc Châu nằm trong danh sách 12 khu du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc và trong 46 khu du lịch trên cả nước được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Điều này là minh chứng, khẳng định về những giá trị đặc biệt ở tầm khu vực cũng như quốc gia của Mộc Châu từ góc độ du lịch.
Với tiềm năng du lịch nổi bật, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có thể khai thác các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng: Du lịch nghỉ dưỡng núi; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái núi cao, hang động, hệ sinh thái trung du; nghỉ cuối tuần; thể thao khám phá; du lịch biên giới gắn với thương mại các cửa khẩu và Du lịch về nguồn tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc Việt Nam. |
Ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc Hanotours: Với những điều kiện thuận lợi về du lịch sinh thái và nhân văn, Sơn La có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những năm qua, vùng đất này vẫn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm du lịch còn chưa đa dạn; hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập, thiếu thốn so với yêu cầu phát triển. Sở dĩ có tình trạng này là do nguồn lực tài chính đầu tư còn ít, môi trường kinh doanh, đầu tư chưa thật sự hấp dẫn…
Để du lịch Sơn La phát triển tương xứng tiềm năng, ngành du lịch phải tập trung giải quyết một loạt vấn đề trước mắt và lâu dài. Trong đó, phải có chiến lược tổng thể với những bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện và thế mạnh của Sơn La; phải điều tra và thống kê phân loại tài nguyên du lịch, trên cơ sở đó, lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các tuyến, điểm du lịch. Đồng thời, ưu tiên xây dựng và triển khai chiến lược sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao về du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá hang động và sông Đà. Với hệ thống lưu trú du lịch của tỉnh cần kêu gọi thêm các nguồn lực tài chính đầu tư, môi trường kinh doanh hấp dẫn để các doanh nghiệp có điều kiện, có tài chính vững mạnh ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến đầu tư mạnh cho các cơ sở lưu trú, xây dựng một hệ thống lưu trú vừa có đủ lượng vừa có đủ chất, tiện nghi, dịch vụ chuyên nghiệp từ con người đến cơ sở hạ tầng đủ sức phục vụ được các đoàn khách lớn khi tới với Sơn La. |
Ông Geoffrey Nguyễn, Tổng giám đốc công ty Tư vấn, Quản lý khách sạn VOH: Nhằm đóng góp vào sự thiếu hụt về lưu trú hiện nay của tỉnh, Glenda Tower Mộc Châu ra đời đón đầu phân khúc khách hàng cấp cao. Với 80 phòng nghỉ tiện nghi, nhà hàng sang trọng với ẩm thực độc đáo chắt lọc tinh túy ẩm thực Tây Bắc, dù mới đi vào hoạt động, khách sạn Khách sạn Glenda Tower Mộc Châu đã đón tiếp gần 10.000 lượt khách lưu trú, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của du lịch Mộc Châu nói riêng và chất lượng cơ sở lưu trú của tỉnh Sơn La nói chung. Khách sạn không chỉ là địa điểm lưu trú mà còn được khách hàng tin tưởng lựa chọn để tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh.
Dựa vào tiềm năng du lịch tỉnh, với sự hỗ trợ, định hướng của Trung tâm Xúc tiến tỉnh Sơn La, Glenda Tower Mộc Châu sẽ đưa ra chiến lược kinh doanh, quản lý phù hợp nhằm thu hút lượng khách hàng lớn, đóng góp vào du lịch tỉnh. |
Giang Tú (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc