10:08:25 | 8/12/2022
Tỉnh Sơn La đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo “nút thắt” về cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Qua đó, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La trao đổi về vấn đề này.
![]() |
Một vài chia sẻ của ông về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh Sơn La thời gian gần đây?
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu dự án trong các lĩnh vực: Du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến,... Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã phê duyệt, cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 30 dự án với tổng vốn đăng ký 4.950 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án lớn có tác động lan tỏa tích cực như: Tổ hợp trang trại sinh thái và trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu; Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; Khu du lịch nghỉ dưỡng SM Resort,… Tiếp nối kết quả đó, trong 10 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã phê duyệt, cấp quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư cho 06 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 2.389 tỷ đồng, nổi bật có Dự án nhà máy chế biến sữa công nghệ cao công suất 200 triệu lít sữa/năm với tổng vốn đăng ký 2.000 tỷ đồng.
Như vậy lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh thu hút được 158 dự án trực tiếp với tổng vốn thực hiện 5.613 tỷ đồng. Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động.
Về phát triển doanh nghiệp (DN), 10 tháng đầu năm 2022 có 229 DN thành lập mới, 72 DN quay trở lại hoạt động; đưa tổng số DN trên địa bàn toàn tỉnh là 3.213 DN, với tổng vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng. Các DN đã đóng góp đáng kể vào thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. (Phòng ĐKKD rà soát số liệu)
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 120.000 tỷ đồng với các ngành, địa bàn và khu vực có lợi thế tiềm năng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Ngày 02/4/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND nhằm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025. Việc ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, DN và toàn thể nhân dân về công tác thu hút đầu tư của tỉnh; từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, lợi thế và đem lại giá trị gia tăng cao.
Mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La sẽ huy động vốn đầu tư toàn xã hội 05 năm đạt 120.000 tỷ đồng, trong đó thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách phấn đấu tăng gấp 3 lần giai đoạn 2016 - 2020; bình quân 50 - 60 dự án/năm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch (KDL) quốc gia Mộc Châu được công nhận là KDL quốc gia, trở thành một trong những KDL hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành KDL quốc gia. Sơn La cũng hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy trên 60% diện tích vào năm 2025 với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 6.800 tỷ đồng cả giai đoạn, đồng thời triển khai phát triển 8 cụm công nghiệp và đến năm 2025 lấp đầy trên 70% diện tích. Hình thành các siêu thị tổng hợp từ hạng III trở lên tại mỗi trung tâm huyện.
Từ các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tổ chức quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên, DN và các tầng lớp nhân dân trong địa bàn tỉnh nắm và thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh cũng vào cuộc quyết liệt nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, tin cậy, đủ hấp dẫn để vận động thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Bên cạnh việc thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục thu hút đầu tư hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cũng tích cực giới thiệu quảng bá các danh mục đầu tư, hình ảnh, môi trường đầu tư tỉnh Sơn La đến bạn bè và đối tác. Thông qua đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư, nhất là trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Sơn La về việc đề nghị mở rộng, nâng công suất Nhà máy Thuỷ điện Sơn La từ 2.400 MW lên 3.200 MW
Những đánh giá của ông về Chỉ số thành phần Gia nhập thị trường của tỉnh thời gian qua; nguyên nhân giảm điểm năm 2021? Hiện Sở đang thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng mạnh mẽ hơn chỉ số trên trong thời gian tới?
Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh đạt 62,45 điểm, tăng 9 bậc, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả rất đáng khích lệ đối với công tác điều hành kinh tế của các cấp chính quyền, phát huy tinh thần năng động và nhận được sự ủng hộ từ khu vực kinh tế tư nhân. Trong bức tranh tổng thể tươi sáng trên vẫn có kết quả chưa đạt, đó là Chỉ số gia nhập thị trường đạt 6,17 điểm, giảm 2,14 điểm so với năm 2020.
Qua rà soát các chỉ tiêu cốt lõi của Chỉ số gia nhập thị trưởng cho thấy phần lớn các nội dung đều giảm điểm so với năm 2020, nhu: Tỷ lệ DN cho rằng, phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ ĐKDN từ 2 lần trở lên còn ở mức cao; Tỷ lệ DN cho rằng phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện là 27% (đứng thứ 49/63 tỉnh, thành); Tỷ lệ DN cho rằng, phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động đứng ở mức cao (62/63 tỉnh, thành).
Để cải thiện Chỉ số gia nhập thị trường, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát các chỉ tiêu cốt lõi của Chi phi gia nhập thị trường được đánh giá thấp để cải thiện trong thời gian tới như: Bộ phận đăng ký kinh doanh cần tăng cường hỗ trợ, tư vấn thủ tục đăng ký DN qua phương thức trực tuyến, hỗ trợ trực tiếp qua đường dây nóng, hướng dẫn người dùng trực tiếp sử dụng. phần mềm đăng ký kinh doanh qua Hệ thống đăng ký kinh doanh Quốc gia nhằm giảm thiểu việc chỉnh sửa, trả lại hồ sơ, chi phí khởi sự của DN; thực hiện trả kết quả đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm bớt thời gian đi lại, nhất là đối với các đơn vị ở xa địa bàn của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục, điều kiện bất hợp lý, không còn cần thiết; đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần công khai thủ tục lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của đơn vị Hướng dẫn rõ quy trình để DN dễ dàng tiếp cận. Mỗi cơ quan, đơn vị thiết lập đường dây nóng tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp để giảm bớt thời gian, chi phí chính thức đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ năm 2019 – 2021, UBND tỉnh phê duyệt phương pháp, công cụ đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở ngành (DDCI); hàng năm tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá 1300 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh về sự hài lòng của họ đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Qua kết quả đánh giá DDCI đã giúp các sở, ngành, huyện, thành phố tìm ra được các điểm mạnh, điểm yếu của từng sở, ngành, địa phương; các sở, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện từng chỉ số thành phần PCI và DDCI gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức thay đổi nhận thức, tư duy, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh.
Đẩy mạnh hỗ trợ DN nhỏ và vừa Thời gian qua, tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc phát triển DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án, Nghị quyết "Phát triển doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025"; UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025” (Quyết định số 1530/QĐ-UBND ngày 28/7/2022). Tỉnh đặt ra một số mục tiêu: Đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN gia nhập thị trường; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; hình thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ sở ươm tạo hoặc khu làm việc chung để hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sơn La phấn đấu đến hết năm 2025 đạt mục tiêu: Trung bình mỗi năm thành lập mới khoảng 300 đến 350 DN trở lên; đào tạo khoảng 10.000 người lao động cho các DN; hỗ trợ 100% miễn phí phần mềm kế toán và kế toán thuế cho các DN thành lập mới, DN khởi nghiệp; 100% DN được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện việc làm hồ sơ, thủ tục nộp thuế điện tử; 100% DN nhỏ và vừa được hỗ trợ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số… |
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)
Tháng 6 năm 2023
Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh