Động lực phát triển kinh tế trong năm 2023

18:15:52 | 15/12/2022

Theo các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, chính sách tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” diễn ra mới đây tại Hà Nội, việc nắn dòng vốn đầu tư công đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ, mở rộng chính sách tài khóa, giải quyết các nút thắt thể chế,…sẽ là những động lực tạo đà cho kinh tế phát triển ổn định trong thời gian tới.

Đầu tư công là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết : “Kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%...Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay, khi mà dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định. Do đó, với việc nới thêm các chỉ tiêu để mở rộng chính sách tài khóa, sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công (chi đầu tư phát triển khoảng gần 730 nghìn tỷ, cao hơn năm 2022 được phân bổ là gần 530 nghìn tỷ”

Ông Hùng cũng cho biết thêm: “Đầu tư công có thể là cứu cánh và để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Còn ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả với tăng trưởng sẽ không như mong muốn, ngược lại còn có thể gây những bất ổn. Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng”.

“Điểm nghẽn” thể chế cần phải được tháo gỡ

Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%.

Đây cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục... Nhưng các chuyên gia khuyến nghị: xét về tổng thể, “điểm nghẽn” lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh. Do đó, giải quyết điểm nghẽn thể chế là yếu tố quan trọng để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, năm qua, từ những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý và các vấn đề phát sinh từ thực tiễn thị trường mà Bộ xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững; Tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp; kịp thời có giải pháp ổn định thị trường khi cần thiết….

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng nhận định, nếu những bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế được nhận diện và tiếp cận tháo gỡ...sẽ đem lại cơ hội để "vượt điểm nghẽn" trong năm tới là rất lớn. Bên cạnh đó, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động vượt khó, tận dụng cơ hội để đổi mới. “Nền sản xuất của chúng ta vẫn dừng lại ở phân khúc giá trị thấp nên tăng trưởng chưa hết tiềm năng, nhất là tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tranh thủ các chính sách hỗ trợ hoặc quãng thời gian điều chỉnh để đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, từ đó bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn”.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kết quả phát triển kinh tế năm 2022 rất đáng phấn khởi so với những khó khăn mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức ở nội tại và bên ngoài; doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Do đó, năm 2023 là năm phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra. Cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế. Cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công. Giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: “Bên cạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính, chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cần quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn. Sự tham gia này không chỉ của mỗi Nhà nước mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, đây là cơ hội, là thời cơ để bứt phá”,

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng: Phối hợp chặt chẽ, hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý và vốn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi, giải quyết các tồn đọng, dám chịu trách nhiệm.. là những việc rất cần thiết để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế mà Quốc Hội, Chính phủ đã đề ra trong năm 2023.

Nguyen Mai (Vietnam Business Forum)