11:46:26 | 20/12/2022
Trải qua chặng đường 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành Giáo dục Bắc Giang đã khẳng định vị thế tốp đầu cả nước về chất lượng. Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Bắc Giang.
Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang sau 25 năm xây dựng và phát triển (1997 - 2022)?
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 760 cơ sở giáo dục (tăng 174 cơ sở giáo dục so với năm 1997), đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy, học và đổi mới giáo dục. Đặc biệt, tỉnh có 152 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 710/760 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tăng 697 trường so với năm 1998; tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 93,1%.
Công tác quản lý giáo dục có nhiều đổi mới, năng động và sáng tạo. Việc ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ đã làm chuyển biến rõ nét chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học. Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được Bắc Giang triển khai thực hiện hiệu quả.
Chất lượng giáo dục toàn diện các bậc học năm sau cao hơn so với năm trước. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh Bắc Giang đạt tỷ lệ tốt nghiệp 99,42%; điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Bắc Giang đạt 6,58 (xếp thứ 11 toàn quốc, tăng 11 bậc so với năm trước). Học sinh đỗ và điểm trung bình xét tuyển vào các trường đại học xếp thứ hạng cao, luôn nằm trong tốp 15 toàn quốc.
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đặc biệt được chú trọng, tỉnh đã ban hành Đề án và cơ chế, chính sách để đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng Trường THPT Chuyên Bắc Giang và các trường THCS chất lượng cao tại 10 huyện, thành phố.
Bên cạnh việc dạy và học văn hóa, ngành Giáo dục Bắc Giang cũng chỉ đạo các trường tăng cường việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh thông qua việc dạy lồng ghép vào các môn văn hóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, để tạo ra những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được quan tâm xây dựng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến tháng 11/2022, toàn ngành có 04 tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh, 887 thạc sĩ. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn bậc mầm non là 97,29%, trên chuẩn là 65,3%; cấp tiểu học: trình độ từ đại học trở lên là 67,06%; cấp THCS: trình độ từ đại học trở lên là 86,45%; cấp THPT: trình độ đại học trở lên là 100%, trên chuẩn 21,81%.
Ghi nhận những cống hiến của đội ngũ giáo viên, từ khi tái lập tỉnh Bắc Giang, tính đến năm 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu 3 Nhà giáo Nhân dân, 93 Nhà giáo Ưu tú cho ngành Giáo dục Bắc Giang.
Ông có thể cho biết công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là việc đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành và hiệu quả công tác chuyên môn được ngành Giáo dục Bắc Giang triển khai ra sao?
CĐS là một trong những trụ cột quan trọng góp phần thực hiện CCHC đáp ứng sự phát triển của đất nước, ngành GDĐT cũng không nằm ngoài định hướng đó. Những năm qua, việc chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã được toàn ngành quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa và áp dụng toàn diện các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ GDĐT và UBND tỉnh.
Giai đoạn 2010 - 2020, ngành đã triển khai nhiều kế hoạch mang tính chiến lược cho từng giai đoạn, cụ thể giai đoạn 2011 - 2015 ban hành Kế hoạch số 355/KH-SGDĐT ngày 08/4/2011; Kế hoạch số 34/KH-SGDĐT ngày 15/01/2015 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử giai đoạn 2015-2020; tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án 550 ngày 06/9/2017 về đẩy mạnh dạy tin học và ứng dụng CNTT trong trường phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
Giai đoạn 2021 - 2025 là giai đoạn tiếp theo của ứng dụng CNTT, đó là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Ngành Giáo dục phối hợp cùng các ngành, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông trong việc tham mưu, đề xuất các chủ trương, định hướng phát triển chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đặc biệt các chương trình, đề án về CĐS của tỉnh, của ngành. Đặc biệt, ngành Giáo dục chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 31/3/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Năm học 2021 - 2022, ngoài việc chỉ đạo rà soát, nâng cấp hạ tầng mạng và đường truyền internet, ngành Giáo dục chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục trang bị 01 phòng học trực tuyến trên mỗi khối lớp, triển khai bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục xây dựng, nâng cấp các phòng học để có thể dạy học trực tuyến, kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến,... Hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngành vận động được 514 triệu đồng và 1403 thiết bị (97 máy tính bàn, 106 máy tính xách tay, 608 điện thoại thông minh, 109 máy tính bảng, 483 sim di động 4G), đã tổ chức trao tặng kịp thời cho học sinh. Ngoài ra, phụ huynh ủng hộ 456 triệu đồng bổ sung thiết bị phòng học trực tuyến .
Ngoài các nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến gồm 500 nghìn tài khoản Microsoft Office 365; trên 2000 tài khoản phục vụ dạy học trên nền tảng Google Meet và các nền tảng như Zoom, Zavi, K12,… Sở GDĐT đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan triển khai xây dựng 03 nền tảng phục vụ CĐS riêng của ngành, gồm: Xây dựng hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến chuẩn hóa phục vụ đổi mới hoạt động dạy và học; Xây dựng công cụ CĐS toàn diện công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông; Xây dựng phần mềm trường học số. Đây là các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành, dự kiến hoàn thành đầu tư trong năm 2022. Các nền tảng đáp ứng các yêu cầu, kịch bản, định hướng CĐS của ngành trong năm học 2022 - 2023 và cả giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ GDĐT và Sở GDĐT Bắc Giang thăm trường học trên địa bàn
Trong thời gian qua, để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Sở GDĐT đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào?
Ngày 09/8/2022, Sở GDĐT xây dựng Kế hoạch số 71/KH-SGDĐT triển khai thực hiện Kế hoạch số 418/KH-UBND ngày 07/7/2022 của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về nâng cao Chỉ số PCI năm 2022 của ngành Giáo dục Bắc Giang như sau:
Một là, nâng cao chất lượng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách mới nhằm phát triển, nâng cao chất lượng GDĐT.
Hai là, tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và Luật Giáo dục 2019, đồng thời khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở mỗi địa phương, cấp học.
Ba là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm phát triển năng lực người học, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 và hội nhập quốc tế.
“Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, ngành Giáo dục Bắc Giang đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Trong 40 năm qua, nhiều cơ sở giáo dục được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được Chính phủ, Bộ GDĐT tặng Bằng khen và Cờ thi đua; nhiều nhà giáo được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Huân chương Lao động. Sở GDĐT vinh dự được Chủ tịch nước tặng 03 Huân chương Lao động và 02 Huân chương Độc lập và được Thủ tướng Chính phủ tặng 3 Bằng khen”,… |
Bốn là, chỉ đạo và thực hiện nghiêm việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh bảo đảm thực chất đối với từng cấp học, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học. Ứng dụng hiệu quả CĐS trong trường học, khai thác triệt để cơ sở dữ liệu ngành và các phần mềm ứng dụng khác.
Năm là, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh để các em yên tâm trong học tập, có định hướng cho tương lai. Giúp học sinh xác định được mục tiêu học tập để đạt được các phẩm chất, năng lực theo Chương trình GDPT 2018 và theo 4 trụ cột của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.
Sáu là, tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước, khu vực và quốc tế về phát triển GDĐT, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI