Số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021. Đáng nói, GDP năm 2022 ước tăng 8,02%, lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ;... đều ghi nhận những con số tăng trưởng mạnh mẽ. Tính chung năm 2022, cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5%...
Nền kinh tế đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022
Mặc dù đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, nhất là khi các doanh nghiệp đang gặp khó về đầu vào lẫn đầu ra thì Chính phủ cần tiếp tục kéo dài các chính sách “trợ lực” trong năm tới, để hỗ trợ doanh nghiệp đương đầu được với khó khăn, tiếp tục chinh phục những cột mốc tăng trưởng mới.
Thực tế, thời gian qua, một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chính đã thực hiện có thể kể đến như: chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,…; chính sách giảm 2% thuế VAT; các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;… đã phát huy tác dụng.
Đa phần các giải pháp này đều được đánh giá là hữu ích, kịp thời, giúp doanh nghiệp tăng sức “đề kháng” trong và sau đại dịch. Trong đó có thể kể đến một số chính sách có tác động sâu rộng như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách này tác động trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp, người dân, và gần như là một khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân trong thời kỳ khó khăn nhưng được thể hiện trong giá cả hàng hóa góp phần làm giảm lạm phát, kích thích tiêu dùng, kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Hay như chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, chính sách này đã góp phần ổn định giá xăng dầu. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu thế giới liên tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường xăng dầu trong nước…
Các chuyên gia khuyến nghị, cần tiếp tục duy trì các chính sách "trợ lực" cho doanh nghiệp
Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia khuyến nghị, cần tiếp tục duy trì những chính sách “trợ lực” này, nhất là trong bối cảnh dự báo kinh tế năm tới khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kinh tế thế giới có khả năng đi vào suy thoái, và chắc chắn nền kinh tế mở của Việt Nam cũng sẽ chịu tác động không hề nhỏ.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn hai năm qua đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng khi trên thực tế có thể thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với thu ngân sách Nhà nước được cải thiện do các doanh nghiệp phục hồi, đóng góp vào nguồn thu. Tuy nhiên, tình hình trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, do đó những gói hỗ trợ nào đã phát huy hiệu quả tốt và vẫn còn cần thiết nên được nghiên cứu để tiếp tục triển khai hoặc chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình mới.
Đồng quan điểm đã nêu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) cũng đánh giá, chính sách tài chính mà cụ thể là chính sách hỗ trợ thuế, phí được ban hành và thực thi một cách nhanh nhất, kịp thời nhất đã hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như chính sách giảm 2% thuế VAT với những mặt hàng có thuế suất 10%. Giảm thuế VAT làm giảm giá bán của hàng hoá trên thị trường, qua đó làm tăng sức chi tiêu, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất. Mặt khác, giảm thuế VAT làm giảm giá hàng hoá, làm giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách giảm thuế VAT có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giảm áp lực lạm phát.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là hoạt động giảm thuế VAT 2%, vì doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, lại đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn sắp tới.
Được biết, trước đó Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: Chính sách giảm 2% thuế VAT; chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ;...
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp