Giải bài toán nguồn vốn - “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản

14:57:06 | 10/1/2023

Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn về nguồn vốn, khi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt bị siết chặt khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, dẫn đến hàng loạt dự án phải dừng hoạt động. Khơi thông được “điểm nghẽn” này là điều không chỉ các cơ quan quản lý, nhà đầu tư mà cả người dân cũng vô cùng quan tâm, bởi đây là một trong những thị trường quan trọng, có vai trò thu hút nguồn lực, thúc đẩy nhiều ngành và lĩnh vực khác cùng phát triển.

Doanh nghiệp “điêu đứng” vì thiếu vốn

Thị trường bất động sản bước vào năm 2022 với nhiều hy vọng phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh và những chính sách tiền tệ bị thắt chặt là các “điểm nghẽn” tạo ra trở ngại lớn đối với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng vào nửa cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết: Thị trường nhà đất trong năm 2022 đã gặp rất nhiều bất cập. Toàn ngành bất động sản phải chật vật giải "bài toán" nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng, không thể phát triển sản phẩm mới và buộc phải sa thải lượng lớn nhân viên.

Theo bà Nguyễn Thùy Dung - Chủ tịch Phú Hưng Property, việc Chính phủ điều tiết nguồn vốn cho bất động sản khiến khách hàng và chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Khủng hoảng về trái phiếu trên thị trường trong thời gian qua cũng đã ảnh hưởng tâm lý nặng nề với các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn “ngủ đông”, phải cắt giảm 50% đến 60% chi phí hoạt động và nhân sự.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản đến từ phân khúc bất động sản du lịch khi dịch bệnh kéo dài. Không một doanh nghiệp nào có thể gánh nổi các khoản vay chỉ có thời hạn 3 - 5 năm phải trả trong khi các dự án không thể khai thác được. Đây không còn là sự điều chỉnh do cơ chế thị trường mà là vấn đề các doanh nghiệp bất động sản không thể lường trước được.

Lực đẩy cho thị trường khởi sắc vào năm 2023

Ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1435/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thực trạng thị trường bất động sản, các kết quả hạn chế, bất cập và nguyên nhân; dự báo tình hình, các yếu tố tác động, xu hướng phát triển thị trường. Qua đó, xác định mục tiêu, yêu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở phân khúc thu nhập thấp. Kịp thời có giải pháp ổn định thị trường khi cần thiết; kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro.

Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường. Kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu,

hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường. Hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp theo đúng quy định.

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản đã được nhận diện và đang được tiếp cận, tháo gỡ. Với những lợi thế này, cơ hội để khơi thông thị trường trong năm tới là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn trên, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động vượt khó, tận dụng cơ hội để đổi mới.

Theo ông Lê Viết Hải, các doanh nghiệp bất động sản đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

“Hiện nay toàn cảnh thị trường đang chứng kiến sự mất cân đối về cung - cầu. Vì vậy, Nhà nước cần tạo lập một trang chính thống cung cấp công khai, minh bạch các dữ liệu về quy hoạch, giao dịch bất động sản, các dự án đang xem xét và đã được cấp phép,... Điều này sẽ giúp chủ đầu tư có thể đưa ra quyết định phù hợp hơn khi tung ra các sản phẩm, mang lại hiệu quả trên thị trường xây dựng nói chung và bất động sản nói riêng”, ông Hải nói.

“Cần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bất động sản an toàn, an sinh xã hội với trọng tâm ở 03 chủ thể, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA đề xuất. Theo ông Khôi, Tổ công tác của Thủ tướng về bất động sản, chính quyền địa phương thống kê những khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Từ đó báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để các cơ quan nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ. Bên cạnh đó, để dự án được nhanh chóng đưa vào triển khai, các yếu tố như mặt bằng, hệ thống cơ sở hạ tầng cần được các cơ quan chức năng chú trọng, giám sát. Các thủ tục cũng cần phải được rút ngắn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính quyền địa phương, xem xét điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian, xây dựng chương trình phát triển quản lý hệ thống nhà ở thị trường bất động sản, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân.

Có thể nói, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư kỳ vọng những điều chỉnh về chính sách, trong đó nguồn vốn nếu được khơi thông sẽ giúp thị trường dần ấm lên và ổn định.                                                                                                    

Nguyễn Mai (Vietnam Business Forum)