15:44:23 | 10/1/2023
Kênh dẫn vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là tín dụng ngân hàng. Tăng trưởng của kênh này hiện cao nhất trong số các kênh dẫn vốn vào thị trường, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Việc đồng hành và chia sẻ khó khăn của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong giai đoạn hiện nay không chỉ thể hiện sự gắn bó trước - sau giữa ngân hàng và doanh nghiệp mà còn giúp nhiều ngân hàng xây dựng thêm niềm tin, quảng bá được thương hiệu và khẳng định trách nhiệm vì sự phát triển, hợp tác bền vững với khách hàng.
Nhiều áp lực lên mặt bằng lãi suất của ngân hàng
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong 2 tháng qua, nhờ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường ngoại tệ, tỷ giá bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9 - 10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó
một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm. Việc lãi suất huy động tăng liên tục gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.
Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng là do một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng; giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng (TCTD) chịu áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022 và theo lộ trình tháng 10/2023 sẽ giảm tiếp tục xuống 30%, dẫn đến các NHTM đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định,…
Việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của tất cả các NHTM đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, trong khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN; đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.
Tháo gỡ vướng mắc và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế
Trước những diễn biến của thị trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hoạt động ngân hàng đúng hướng, an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc NHNN Việt Nam xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Đối với NHNN, cơ quan này đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5-2% vào ngày 05/12 nhằm giúp các TCTD có thêm nguồn lực, mở rộng tín dụng đối với những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế. Mức tăng trên tương đương với 240 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm đầu tháng 12, tăng trưởng tín dụng là 12,2%. Room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, vẫn còn 1,8% cộng gần 2% tăng thêm, như vậy có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian cuối năm kể cả qua Tết âm lịch.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam, việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NHTM tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Thủ tướng cũng có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân. Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện cho lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà. Chính vì thế, việc quản lý dòng tiền, theo dõi hoạt động của các NHTM rất cần thiết.
Đáng chú ý, trước các quyết sách của Chính phủ và NHNN, hiện các NHTM đã đồng thuận giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, tính đến 15/12/2022, đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm. Theo đó, các TCTD thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, đặc biệt, mức 9,5% này phải bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm.
Đẩy mạnh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, dù ít hay nhiều, cũng là hỗ trợ quý giá đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc cân đối các chi phí, chỉ tiêu kinh doanh để “tiếp sức” cho doanh nghiệp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định như hiện tại cũng đã rất gian nan. Bởi lãi suất huy động có chiều hướng tăng cao trong 2 tháng gần đây, đồng nghĩa chi phí đầu vào của ngân hàng tăng theo. Vì thế, việc có thể giảm lãi suất cho vay cho thấy các NHTM rất nỗ lực chia sẻ với doanh nghiệp, nhất là đang trong mùa cao điểm sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh cho năm mới thì điều này lại càng trở nên quý giá đối với doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời gian tới cần đẩy mạnh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ. Nếu gói hỗ trợ này nhanh chóng được giải ngân sẽ góp phần giảm áp lực gánh nặng chi phí vốn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất cuối năm và kế hoạch kinh doanh năm mới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã yêu cầu các NHTM cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là trách nhiệm. “Các NHTM giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí; tiếp tục quan tâm giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế,…”, Phó Thống đốc lưu ý.
Cũng theo Phó Thống đốc, các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để NHNN có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho ngân hàng đó, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại, phân loại. NHNN sẽ tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách cho hoạt động của các ngân hàng nhưng phải đảm bảo mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và các mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội đề ra.
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI