Lấy lại đà tăng trưởng du lịch

15:57:49 | 10/1/2023

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 và sự bất ổn định kinh tế, chính trị diễn ra trên toàn cầu, kết quả đạt được trong năm 2022 đã chứng minh nỗ lực phục hồi của ngành Du lịch Việt Nam. Đồng thời đây cũng là nền tảng, động lực để du lịch Việt Nam nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sớm hơn so với Nghị quyết 08/NQ-TW đã đề ra.

Ngày 15/3/2022 có thể được coi là cột mốc khi Chính phủ cho phép mở lại hoạt động du lịch quốc tế sau hơn 2 năm ngưng trệ hoàn toàn vì dịch bệnh Covid-19. Đây là quyết sách chính xác, kịp thời của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển từ “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước đã định hướng, mở đường cho ngành Du lịch khôi phục hoạt động trên phạm vi cả nước.

Du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới

Hoạt động du lịch nội địa đã sôi động ngay từ những ngày đầu năm 2022. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách nhưng kết quả năm 2022 đã đạt hơn 101 triệu lượt khách, tăng 68,8% so với chỉ tiêu và tăng 19% so với mức kỷ lục 85 triệu lượt khách đã đạt được vào năm 2019. Sự tăng trưởng vượt bậc của lượng khách du lịch nội địa không chỉ góp phần quan trọng vào tổng thu từ khách du lịch trong năm 2022 (ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với năm 2021) mà còn thể hiện sức bật mạnh mẽ, tiềm năng và dư địa phát triển của du lịch nội địa.

Năm 2022, nhiều địa phương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn ngay từ đầu năm nhằm thu hút khách du lịch, như Lễ hội Hoa hồng (Lào Cai); VITM Hà Nội 2022, Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); Lễ hội “Tận hưởng Mùa hè Đà Nẵng 2022”, Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh), Festival Huế (Thừa Thiên Huế), Tuần Du lịch TP.Hồ Chí Minh năm 2022, Festival Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng),… Những sự kiện này đã tạo ra điểm nhấn để hoạt động du lịch sôi động trở lại, đặc biệt là tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021; TP.Hồ Chí Minh đạt 28,5 triệu lượt khách; Lào Cai đạt 4,4 triệu lượt, tăng gần 220% so với năm 2021; Quảng Nam đạt 4,7 triệu lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021; Lâm Đồng đạt 7 triệu lượt, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021;…

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, TS. Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, với hơn 100 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 đã phản ánh rõ nét những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh của Việt Nam, thể hiện sự thích ứng linh hoạt cùng những nỗ lực của ngành Du lịch trong việc triển khai những hành động kịp thời nhằm phục hồi du lịch ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Từng bước khôi phục thị trường khách quốc tế

Trái ngược với tình hình sôi động của du lịch trong nước, thị trường khách quốc tế gặp nhiều khó khăn, nhưng nó cũng cho thấy sự bền bỉ, nỗ lực vượt khó của ngành Du lịch Việt Nam. Mặc dù Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế từ giữa tháng 3/2022, nhưng hầu hết các thị trường khách quốc tế quan trọng nhất, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),… chưa mở cửa hoàn toàn hay vẫn hạn chế công dân du lịch ra nước ngoài trong hầu hết cả năm 2022. Thêm vào đó là tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã khiến thị trường khách quan trọng khác là Nga và khu vực Đông Âu hầu như không có; suy thoái kinh tế khiến nhu cầu đi du lịch ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu chưa thể khôi phục ngay; sự cạnh tranh gay gắt từ những điểm đến trong cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia với những chính sách thông thoáng về thị thực, ưu đãi, khuyến mại,… càng khiến cho Du lịch Việt Nam gặp khó trong thu hút khách quốc tế.

Đứng trước bối cảnh đó, Du lịch Việt Nam đã linh hoạt chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông. Trong năm 2022, nhiều đường bay thẳng kết nối từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh đến các thành phố của Ấn Độ đã được khai trương; một số tỉnh, thành như Khánh Hòa, Đà Nẵng đã chủ động tổ chức quảng bá tại các thành phố của Ấn Độ. Ngành Du lịch còn tham gia Diễn đàn xúc tiến du lịch tại Ấn Độ trong khuôn khổ “Ngày Việt Nam tại Ấn Độ năm 2022”; tham gia Hội nghị quốc tế về hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Đông,…

Năm 2022 cũng là năm ngành Du lịch, các địa phương cùng hệ thống doanh nghiệp du lịch đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn như Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2022: “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam”; Hội thảo “Ấn tượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức hè 2022”; Diễn đàn Du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”;… nhằm thảo luận, đề xuất và triển khai thực hiện những sáng kiến, giải pháp từng bước khôi phục thị trường khách quốc tế. Song song với đó, Du lịch Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện du lịch quốc tế lớn để quảng bá thông điệp: “Live Fully in Vietnam - Trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam” như tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2022, Hội chợ Du lịch quốc tế ITB châu Á (ASIA) 2022 Singapore, Diễn đàn Du lịch Mekong 2022, Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) 2022, Hội chợ Du lịch quốc tế WTM London 2022…

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành Du lịch đạt được 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Dù chỉ bằng 70% so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 2022 nhưng kết quả này đã thể hiện phần nào sự nỗ lực của toàn ngành trong việc đối mặt với khó khăn thị trường quốc tế, nhằm thúc đẩy phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế trong giai đoạn tới.

Mục tiêu thu hút 110 triệu khách du lịch năm 2023

Theo dự báo của nhiều tổ chức và chuyên gia du lịch quốc tế, lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tăng 30% vào năm 2023, sau khi đạt khoảng 900 triệu lượt vào năm 2022 nhưng vẫn ở dưới mức đã đạt được vào năm 2019. Bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 khi các nền kinh tế lâm vào suy thoái, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giảm, nguy cơ xung đột địa chính trị, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt,… sẽ trở thành những thách thức lớn đối với Du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Với trọng tâm chuyển chiến lược phát triển sang chất lượng, ngành Du lịch sẽ tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch di sản, đồng thời phát triển đa dạng hệ thống sản phẩm thuộc các loại hình du lịch ẩm thực, MICE, golf, thể thao, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe,… để đón đầu xu hướng mới của du lịch thế giới. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tăng cường quy mô và chất lượng xúc tiến tại các sự kiện du lịch lớn trong khu vực và quốc tế. Ngành cũng sẽ tiếp tục đề xuất tháo gỡ những bất cập trong thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, năng lực phục vụ tại các sân bay quốc tế, nội địa; mở rộng chính sách visa, thông thoáng về thủ tục, tạo thuận lợi đi lại với chính sách hỗ trợ kết nối hàng không quốc tế; công nghiệp văn hóa gắn với du lịch; khuyến khích hợp tác công - tư trong phát triển du lịch.

Thủ tướng yêu cầu tìm giải pháp thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam
Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia phân tích nguyên nhân, trách nhiệm trong thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Trong đó, cần xem xét tính đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch; tính đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; tầm mức truyền thông, quảng bá du lịch; xem xét việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch,... Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có kế sách, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bền vững, lâu dài với cơ sở nền tảng là văn hóa..., trước mắt là vào mùa Xuân 2023 và tạo đột phá về du lịch trong năm 2023.

Thu Huyền (Vietnam Business Forum)