10:16:15 | 18/3/2023
Kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk năm vừa qua đã có sự phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2023 cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, phát triển bền vững, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị tham quan gian hàng giới thiệu chuyển đổi số tại hội nghị hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, tháng 10/2022
Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk năm 2022?
Trong năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, người dân và doanh nghiệp đã thích nghi với trạng thái bình thường mới, ổn định cuộc sống, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sản xuất nông nghiệp ổn định, duy trì đà tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao do các nhà máy chế biến hoạt động ổn định và một số dự án, nhà máy điện gió, điện mặt trời có quy mô lớn đã đi vào hoạt động, phát điện thương mại, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Cải cách hành chính, chuyển đổi số và quản lý nhà nước về đất đai chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng cường, giữ vững.
Tỉnh đã thực hiện đạt 16/16 chỉ tiêu, trong đó có 05 chỉ tiêu nổi bật, vượt kế hoạch đầu năm đề ra.
Năm 2023, dự báo nền kinh tế sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Tỉnh Đắk Lắk đã và đang có những giải pháp gì?
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm đề ra và đưa kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho các doanh nghiệp, người dân; ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân trên địa bàn để tiếp tục đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I năm 2023.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển chiều sâu ở một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, năng lượng tái tạo;... khai thác, tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để hình thành các ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, thương mại. Ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng lấy thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đắk Lắk rất quan tâm phát triển doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư và gặt hái được những kết quả tích cực. Trước những khó khăn mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải, Đắk Lắk đã đồng hành như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, lạm phát ở nhiều quốc gia, khu vực tăng ở mức cao, việc tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa tiềm ẩn rủi ro về tài chính, kinh tế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh kịp thời, tinh thần đổi mới, chủ động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 8,94%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những đợt bùng phát dịch Covid-19 cùng với giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm, nên một số doanh nghiệp đã phải đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giải thể.
Trước những diễn biến của nền kinh tế, dự báo trong thời gian tới, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh tiếp tục có giải pháp gì, thưa ông?
Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, UBND tỉnh xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), công bố công khai việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp biết và giám sát. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách khác của Trung ương về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, ký kết.
Song song với đó, chủ động nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là về đất đai, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan,... Chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho cá nhân, doanh nghiệp; tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm, kết nối giao thương, kết nối cộng đồng khởi nghiệp, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, tìm kiếm và kết nối doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh. Đổi mới và thực hiện có hiệu quả Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Chương trình cà phê doanh nhân - doanh nghiệp. Nâng cao vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các Hội ngành nghề để các thông tin về chỉ đạo, điều hành của tỉnh đến gần hơn với doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp nhận kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; triển khai mô hình đối thoại doanh nghiệp tại các cấp huyện. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các hồ sơ quy hoạch, địa điểm đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI