Hà Nội: Gắn du lịch với phát triển làng nghề truyền thống nông thôn

14:57:50 | 9/1/2023

Giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu... các làng nghề truyền thống tại Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của Hà Nội. Để phát triển bền vững và khai thác tiềm năng các làng nghề đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội, cần có các giải pháp bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.

Gắn với du lịch

Với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, lớn nhất cả nước do vậy việc khai thác tiềm năng của các làng nghề sẽ góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển. Cùng với việc đào tạo nghề, quy hoạch Cụm điểm làng nghề thì Hà Nội cũng đang nỗ lực triển khai hoạt động du lịch làng nghề theo hướng khai thác bền vững.

Những năm qua, nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch làng nghề khi đón nhiều lượt khách du lịch trong ngày với các hoạt động tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm. Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), làng Kiêu Kỵ (nơi duy nhất trong cả nước làm nghề vàng, bạc quỳ), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất... có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.

Các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Du khách đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.

Thúc đẩy chính sách phát triển

Mặc dù tự hào về nghề truyền thống nhưng phát triển du lịch các làng nghề còn là những câu chuyện dài bởi thiếu rất nhiều yếu tố thu hút khách. Những tồn tại như chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu; tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; mẫu mã sản phẩm không đa dạng, thiếu sức sáng tạo, chưa bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn một khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển du lịch... nên du lịch làng nghề của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, đồng bộ khiến việc phát triển du lịch làng nghề thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa thực sự được đầu tư bài bản, nghiêm túc. Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Hội trưởng Hội doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ việc phát triển làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đang ngày càng gặp nhiều thách thức khi nguồn cung ngày càng thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các doanh nghiệp nhập khẩu. Cùng với đó là việc tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới cho mặt hàng mây tre đan của làng nghề xuất khẩu. Hiện nay, các nghệ nhân giỏi làng nghề đang nghiên cứu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm đa dạng từ những nguyên liệu có sẵn nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất.

Bà Đỗ Thị Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, huyện Đông Anh chia sẻ, đối với làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ Vân Hà, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, để phát triển bền vững làng nghề, cùng với việc quy hoạch Khu công nghiệp làng nghề đảm bảo vấn đề môi trường làng nghề, UBND xã cũng đang tập trung quy hoạch phát triển du lịch làng nghề trải nghiệm, mua sắm, nghỉ dưỡng gắn với di tích lịch sử Cổ Loa.

Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, tại các quận, huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội, cũng đang rà soát các làng nghề phù hợp để phát triển du lịch làng nghề. Với thế mạnh của mình, huyện Phú Xuyên cũng đã xây dựng được hai tuyến du lịch làng nghề gắn với hoạt động văn hóa tâm linh: Chuyên Mỹ- Vân Từ- Phú Yên- Quang Lãng tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vốn có rất nhiều tiềm năng phát triển làng nghề khi có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có 318 làng nghề làng nghề truyền thống được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Bao gồm: 67 làng nghề, 48 làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản,22 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 16 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn, 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, 12 làng nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của làng nghề Hà Nội đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô, Hà Nội cũng đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quy hoạch phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Đồng thời đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển du lịch làng nghề gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/LH – UBND về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó Hà Nội sẽ xét công nhận 50 danh hiệu (làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề…). Đồng thời, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Để đạt được các mục tiêu  Hà Nội cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, nên có những cơ chế chung và riêng để hình thành khung cơ chế cho thành phố. Ngoài ra, việc quan tâm phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, những làng nghề phát triển khác nhau nên cần xây dựng kế hoạch cụ thể đồng thời phát huy được tinh hoa, tính sáng tạo của người dân và xác định vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Hà Nội cần tập trung vào quảng bá, phát triển các sản phẩm làng nghề.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)

* Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội