Diễn văn của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống VCCI

10:07:59 | 26/4/2023

Kính thưa đ/c Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCNVN

Kính thưa đ/c Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Kính thưa các đ/c lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các đ/c Ủy viên TƯ Đảng, các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW và lãnh đạo các tỉnh, thành phố

Thưa các vị đại sứ, các vị lãnh đạo các cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam

Thưa các doanh nhân và lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp,

Thưa các quý vị đại biểu,

Hôm nay, trong không khí phấn khởi và tự hào, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước hân hoan chào đón và tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống VCCI. Cộng đồng doanh nghiệp cùng VCCI vô cùng vinh dự và nồng nhiệt chào mừng đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCNVN và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các ban, bộ ngành trung ương và địa phương đã đến chung vui và dự buổi lễ đặc biệt hôm nay. Xin nhiệt liệt chào mừng các ngài đại sứ 28 nước cùng các vị khách quốc tế đến từ 60 nước, chào mừng các doanh nhân, cùng toàn thể các quý vị đại biểu có mặt trong buổi lễ hôm nay.

Kính thưa Chủ tịch nước, thưa quý vị đại biểu,

Tròn 60 năm trước, vào ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với 93 hội viên đầu tiên. Đại hội đã thông qua Điều lệ, bầu Ban Trị sự và ngày 27/4/1963 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 58-CP phê duyệt Điều lệ. Từ đó ngày 27/4/1963 đã trở thành ngày Truyền thống Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Nhớ lại những năm đầu gian khó và hoạt động trong điều kiện chiến tranh từ năm 1963-1975, VCCI khi đó đảm đương hai nhiệm vụ quan trọng: một là, duy trì, thúc đẩy quan hệ ngoại thương của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà với các nước, mà chủ yếu là khu vực các nước tư bản chủ nghĩa, hai là tham gia vào công cuộc đấu tranh chống bao vây, phong toả kinh tế nước ta.

Từ năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, VCCI mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước, bên cạnh thúc đẩy ngoại thương, VCCI có thêm nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh. Vì vậy, năm 1982 Phòng Thương mại được đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI.

Giữa thập kỷ 80, các khó khăn kinh tế lên đến đỉnh điểm, vào năm 1986 Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường. VCCI với kinh nghiệm nhiều năm tích luỹ trong quan hệ với các nước có nền kinh tế thị trường đã tiên phong tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong tạo lập các nền tảng của môi trường kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng như mở cửa nền kinh tế. Năm 1993, VCCI được tách khỏi Bộ Thương mại, hoạt động độc lập, đánh dấu một giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ, toàn diện của VCCI.

Giai đoạn từ năm 1993 là thời kỳ của đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, đây cũng là giai đoạn có những dấu ấn và đóng góp nổi bật nhất của VCCI. VCCI là tổ chức tiên phong trong việc thực hiện đường lối đổi mới, thúc đẩy quan hệ thương mại, và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với thế giới và xúc tiến hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. VCCI đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 tổ chức đối tác quốc tế, là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tổ chức Giới chủ quốc tế (IOE), Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (CACCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI) và các nhiều tổ chức quốc tế uy tín khác.

Trên chặng đường 60 năm qua, VCCI là tổ chức tiên phong trong phát động và triển khai nhiều hoạt động quan trọng vì sự phát triển của doanh nghiệp, cụ thể như:

- Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân.

- Chủ động đề xuất và tham gia xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” – văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về doanh nhân.

- Nghiên cứu, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 và tiến hành công bố hàng năm, qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở các địa phương.

- Phát động và đi đầu trong phát động phong trào thúc đẩy khởi nghiệp với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia từ năm 2002.

- Từ năm 1994 VCCI đã đi đầu trong thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Thúc đẩy thực thi xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ trong các doanh nghiệp.

- Đi đầu trong dẫn dắt, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, với việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững từ năm 2010 và đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững hàng năm.

- Công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam năm 2022 và phát động việc áp dụng các quy tắc đạo đức này trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam.

VCCI là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Định kỳ hàng tháng, hàng quý VCCI tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết.

Mỗi năm hệ thống VCCI trong cả nước tổ chức hàng nghìn hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tư vấn đào tạo doanh nghiệp, các hoạt động giao lưu quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực và phát triển sản xuất kinh doanh. VCCI cũng là chỗ dựa và kết nối hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước. Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI có mạng lưới hội viên toàn quốc gồm trên 200 nghìn DN và trên 200 hiệp hội doanh nghiệp.

Nhìn lại chặng đường phát triển 60 năm, chúng ta tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa tiên phong của các thế hệ hội viên, cán bộ, nhân viên VCCI đối với công cuộc đổi mới, đối với sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. VCCI vinh dự, tự hào đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương, phần thưởng cao quý khác.

Kính thưa Chủ tịch nước, thưa quý vị đại biểu,

Đất nước sau 37 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một quốc gia sau chiến tranh thuộc nhóm nghèo, lạc hậu nhất thế giới, hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Trong thành tựu chung của đất nước, rất tự hào có phần đóng góp của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả mới là bước đầu. Hướng về tương lai, sứ mệnh của doanh nhân là rất nặng nề trước mục tiêu và khát vọng của dân tộc. Tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Tháng 12/2021, Đại hội VCCI lần thứ VII đưa ra tầm nhìn: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng. Sự thịnh vượng của một quốc gia luôn gắn liền với sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, VCCI cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chính sách, tham gia hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới, nhất là tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn mới cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an ninh, an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.

VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công. Tôi xin vui mừng báo cáo, Ban chấp hành VCCI vừa cho thành lập và ngay trong Lễ kỷ niệm hôm nay sẽ cho ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với 21 thành viên đầu tiên.

Một trọng tâm lớn nữa mà VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh để tự định vị bản sắc và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế. Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam cần được xây dựng dựa trên kết hợp những tinh hoa của văn hoá Việt Nam với tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới. Văn hoá phải trở thành sức mạnh mềm, soi đường và tiếp sức cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có vị thế và uy tín ngày càng cao ở trong nước cũng như quốc tế.

Kính thưa Chủ tịch nước, thưa quý vị đại biểu,

Có được sự phát triển với những thành tựu đáng tự hào trong 60 năm qua là do bên cạnh nỗ lực của hội viên, cán bộ, nhân viên, VCCI còn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của toàn xã hội.

Trong Lễ kỷ niệm hôm nay, VCCI luôn ghi nhớ và xin bày tỏ sự biết ơn chân thành về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền, các đoàn thể. Xin đặc biệt cám ơn Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo, tôi còn nhớ mãi cách đây gần 20 năm, Chủ tịch nước khi đó còn là lãnh đạo phong trào thanh niên đã có sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nhân trẻ Việt Nam. Và nhiều người trong các doanh nhân trẻ đó hôm nay đã thành các sếu đầu đàn như anh Trần Bá Dương, anh Trương Gia Bình, anh Vũ Văn Tiền, chị Cao Thị Ngọc Dung, anh Trần Đình Long,…

 Cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm VCCI, tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của các đối tác trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đã gắn bó, đồng hành cùng VCCI, để lại nhiều dấu ấn trong các thành tựu của VCCI. 

Thay mặt lãnh đạo và thế hệ VCCI hiện nay tôi cũng xin ghi nhớ công sức, tâm huyết và xin tri ân sự cống hiến của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên VCCI trên chặng đường 60 năm qua, xin cảm ơn nguyên Chủ tịch Đoàn Duy Thành, Vũ Tiến Lộc, nguyên Phó Chủ tịch Phạm Chi Lan, Hoàng Văn Dũng, Đoàn Duy Khương, Nguyễn Hồng Sơn,... cùng tất cả các bậc tiền bối, các anh, chị nguyên lãnh đạo các cấp, các cán bộ, nhân viên VCCI,… Tôi cũng xin cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành, tài trợ, các cán bộ, nhân viên VCCI đã nỗ lực chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm hôm nay.

Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, toàn thể cán bộ, hội viên VCCI và cộng đồng doanh nghiệp xin hứa sẽ luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sứ mệnh xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng.

Kính chúc đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đồng chí Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và các đồng chí lãnh đạo nhiều sức khoẻ, thành công và luôn quan tâm động viên, giúp đỡ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển. Xin chúc các vị khách quý, các doanh nhân và toàn thể đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!