Ngành Nông nghiệp với những nỗ lực tạo bứt phá

10:24:35 | 12/5/2023

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An đang thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm tạo bứt phá mạnh mẽ. Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã có trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.

Long An là một trong những địa phương nổi bật của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Ông có thể cho biết những đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp góp phần tạo nên điểm nhấn trên?

Nhằm thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ gồm: (1) Chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản; (2) Chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; (3) Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,… Trong đó có một số chính sách hỗ trợ cho DN, hợp tác xã (HTX) vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ chi phí đầu tư cho DN, HTX có dự án đầu tư cơ sở bảo quản, dự án chăn nuôi; hỗ trợ công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000,...

Cho đến nay, Sở đã hướng dẫn, hỗ trợ 06 DN nông nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; 28 DN, HTX xây dựng và phát triển 28 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; hỗ trợ 17 DN, HTX tham gia xác nhận chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản an toàn sử dụng 2.061.000 tem điện tử quét mã QR truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ cho 10 HTX và 02 DN với kinh phí khoảng 4,9 tỷ đồng,… Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cùng các sở, ngành nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương phù hợp với tỉnh để thu hút ngày càng nhiều DN quan tâm đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC.

Hàng năm, Sở còn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhật mới các danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể: Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt tỉnh Long An tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ, quy mô quy hoạch 70ha; dự án Đầu tư sản xuất và xây dựng nhà máy chế biến khoai mỡ tỉnh Long An tại huyện Thạnh Hóa quy mô 3.005ha (vùng nguyên liệu 3.000 ha; nhà máy 5ha); Dự án Nhà máy chế biến thanh long tại huyện Châu Thành với quy mô khoảng 10 ha,…

Nông sản Long An xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc

Sau 2 năm triển khai, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 đã đạt được kết quả nào, thưa ông?

Sau hơn 02 năm triển khai quyết liệt Chương trình đã mang lại một số kết quả khả quan, cụ thể như:

Trên cây lúa: Diện tích ứng dụng CNC vùng Đề án là 43.787,30ha, đạt 73% so với kế hoạch giai đoạn 2021 -2025. Hiệu quả từ việc áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp năng suất đạt từ 72-75 tạ/ha (cao hơn bên ngoài 3 tạ/ha), chi phí sản xuất giảm 1,4 triệu đồng/ha, sản phẩm lúa được các DN bao tiêu với giá cao hơn ngoài  thị trường từ 100-300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân là 27 triệu đồng/ha cao hơn ngoài mô hình 3,2 triệu đồng/ha,...

Trên cây rau: Có 1.839ha/2000ha, đạt 92% so với kế hoạch. Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt hơn, sâu bệnh ít hơn giảm được lượng phân vô cơ sử dụng từ 10-40kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,… năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu  đồng/1000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống, sản phẩm được kiểm tra đạt an toàn.

Trên cây chanh: Có 930ha/3.000ha, đạt 31% so với kế hoạch. Thông qua chương trình, người dân đã nâng cao kiến thức trong canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm giảm lao động, chi phí đầu tư, từng bước hình thành vùng trồng theo hướng GlobalGAP gắn với nhu cầu xuất khẩu của DN và xây dựng chỉ dẫn địa lý “Bến Lức Long An” cho quả chanh không hạt.

Trên cây thanh long: Có 4.087,43ha/6000ha, đạt 68,12% so với kế hoạch. Người dân chuyển dần qua sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học trong quá trình sản xuất thanh long nhằm cải tạo đất, tăng cường hoạt động của rễ giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý một số nấm bệnh vùng rễ, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, sản xuất theo hướng VietGAP và làm cơ sở để tiến đến đạt chứng nhận VietGAP.

Trên con bò thịt: Đã thực hiện xây dựng 03 mô hình điểm với tổng số con bò cái sinh sản hỗ trợ là 39 con; hỗ trợ 19 hộ tham gia chuyển đổi giống với tổng số con chuyển đổi là 99 con; tổ chức 01 lớp đào tạo dẫn tinh viên, tổ chức 08 lớp tập huấn kỹ thuật, in ấn và phân phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền và 5.000 quyển sổ tay kỹ thuật chăn nuôi bò thịt.

Trên con tôm: Có 22,66 ha/100 ha, đạt 22,7% kế hoạch. Kết quả cho thấy hiệu quả vượt trội so với mô hình nuôi truyền thống: Hạn chế được dịch bệnh và sốc môi trường nước, năng suất tăng gấp đôi so với cách nuôi thông thường, lợi nhuận tăng cao. Đặc biệt có hộ thu lãi trên 500 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, ngành đã hỗ trợ 6 DN ứng dụng CNC, xây dựng 28 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên rau, thịt gà, gạo, thịt heo, thanh long, chanh. Toàn tỉnh có 2.075,6ha lúa, rau, thanh long, chăn nuôi gia cầm, heo, bò, thủy sản,... được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (sản lượng tương đương 195.510,94 tấn sản phẩm, 100 con bò giống, 250 con nái và 100 triệu trứng). Hình thành 270 lượt mã số vùng trồng với tổng diện tích 13.445,3 ha; có 141 cơ sở sơ chế, đóng gói được cấp mã số cơ sở đóng gói. Ngoài ra, ngành còn tập trung triển khai Ứng dụng chuyển đổi số ngành nông nghiệp và kết nối thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.


Ứng dụng công nghệ cao vào trồng thanh long tại ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An

Tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển ngành Nông nghiệp được thể hiện ra sao trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh, Long An có nhiều lợi thế trong sản xuất nông sản như: Diện tích đất trồng lúa đứng thứ tư, đàn trâu đông nhất Vùng, đàn bò đứng thứ tư,... Là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh đã thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Sản xuất nông, lâm và thuỷ sản của tỉnh được phát triển dựa trên lợi thế của từng vùng và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất nông nghiệp. Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế của từng vùng sinh thái, phù hợp xu thế phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị sản phẩm,… Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng chú trọng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu được tập trung thực hiện, bước đầu đã góp phần làm thay đổi tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức và người dân trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn.

Trong tổ chức sản xuất, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp được củng cố và ngày càng phát triển; công tác xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản được quan tâm.

Để Long An và ngành Nông nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư hơn nữa, Sở đã, đang tham mưu tỉnh tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” nào, thưa ông?

Ban Quản lý dự án nông nghiệp Long An
Được thành lập từ năm 2015, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp Long An (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Long An) đã luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp thiết thực vào công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.

Hiện có 2 “điểm nghẽn” thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thứ nhất, thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Thứ hai, hạ tầng giao thông, cả đường bộ và đường thủy còn nhiều hạn chế. Độ sâu của sông, số lượng cầu nhỏ bắc qua nhiều tuyến kênh rạch ảnh hưởng đến lưu thông của tàu thuyền trên các tuyến đường thủy. Cơ sở hạ tầng đường bộ còn hạn chế cả về chiều rộng đường, kết cấu và bề mặt làm hạn chế lưu thông của các phương tiện vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum