15:21:21 | 11/5/2023
Năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Tài chính Long An đã đạt được những kết quả tích cực. Ông Hồ Quốc Công – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An đã có chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.
Ông có thể chia sẻ một số kết quả trong thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách tỉnh Long An năm 2022?
Năm 2022, tỉnh Long An triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Ngành Tài chính tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần hoàn thành đạt và vượt dự toán thu đề ra.
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 là 21.842.944 triệu đồng, đạt 127,2% dự toán Trung ương (TW) giao, 125,8% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 116,8% cùng kỳ, gồm:
Thu nội địa thực hiện 17.525.137 triệu đồng, đạt 130,6% dự toán TW, đạt 128,9% dự toán HĐND giao và bằng 121,3% cùng kỳ. Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa thực hiện năm 2022 là 12.039.388 triệu đồng, đạt 122,9% dự toán TW, 121,1% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 118,8% cùng kỳ.
Thu xuất nhập khẩu thực hiện 4.319.212 triệu đồng, đạt 114,9% dự toán TW và HĐND tỉnh giao, bằng 101,7% cùng kỳ.
So với chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh năm 2022 thì tổng thu NSNN tăng 16,8% so cùng kỳ, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (tăng ít nhất 12% so với năm trước).
Về tổng chi ngân sách địa phương thực hiện năm 2022 là 21.872.951 triệu đồng, đạt 142,5% dự toán TW và đạt 141% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 144% cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển là 12.485.903 triệu đồng, bằng 191% so với cùng kỳ, chi thường xuyên là 9.377.426 triệu đồng, đạt 112,1% so với dự toán TW, đạt 111,4% so với dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 108% so cùng kỳ.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách địa phương đạt 57%, tăng so với tỷ trọng năm 2021 là 47,6%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh năm 2022.
Để thực hiện nhiệm vụ quản lý điều hành NSNN trên địa bàn, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính cũng như tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong tình hình mới, những giải pháp mà Sở Tài chính tập trung trong năm 2023 là gì, thưa ông?
Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách TW, việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo cân đối thu, chi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh.
Ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã đề ra các giải pháp tập trung như:
Ban chỉ đạo đôn đốc thu ngân sách các cấp được thành lập ngay từ đầu năm, có kế hoạch phân công nhiệm vụ, chỉ tiêu thu cụ thể đến từng cấp, ngành, từng phòng ban và lộ trình thực hiện cụ thể. Ban hành chương trình hành động triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Chỉ thị điều hành dự toán thu chi NSNN năm 2023.
Triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế. Tập trung thanh, kiểm tra, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ của Nhà nước thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho người nộp thuế.
Rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để khai thác tăng thu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa; quản lý hiệu quả hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng,... Qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích thu hút đầu tư. Tăng cường công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp. Theo dõi, quản lý kịp thời các dự án khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp phép,...
Về công tác quản lý nợ thuế: Áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các doanh nghiệp chây ì không nộp, nợ thuế. Lập hồ sơ khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Chủ động sắp xếp, điều hành các nhiệm vụ chi, bảo đảm cân đối ngân sách, thực hiện chi ngân sách theo tiến độ thu (kể cả thu tiền sử dụng đất và các khoản chi cân đối ngân sách).
Các cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Đối với số thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, trong điều hành các cấp ngân sách cần căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thu thực tế. Trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách các cấp không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án bố trí từ nguồn thu này.
Thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, đây là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chi ngân sách địa phương theo hướng tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên.
Triển khai kịp thời các văn bản của TW, của cấp trên về quản lý, điều hành giá. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và xử lý kịp thời các sai phạm theo kết luận của đoàn thanh tra, kiểm tra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.